Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Tôi đi làm... khán giả "thuê"

http://vn.news.yahoo.com/t%C3%B4i-%C4%91i-l%C3%A0m-kh%C3%A1n-gi%E1%BA%A3-thu%C3%AA-051125405.html

Có khá nhiều khán giả trong hầu hết các gameshow, talkshow, chương trình truyền hình là được… thuê. Nhiệm vụ của họ là cổ vũ, hoạt náo, "làm màu" cho chương trình thêm sinh động.
 

Trong vai một khán giả, PV Thanh Niên Online đã có những trải nghiệm thú vị với công việc này.

Cười thật tươi và vỗ tay thật to
Tôi được một người quen là sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông rủ rê: “Đi làm khán giả thuê không? Vừa được lên truyền hình, vừa có tiền!”. Công việc có vẻ nhẹ nhàng lại hấp dẫn như thế thì thật khó bỏ qua.
Tôi cùng khoảng 30 sinh viên háo hức tìm đến Đài truyền hình TP.HCM (Q.1, TP.HCM) để ghi hình một chương trình tư vấn sức khỏe phát sóng hằng tuần trên HTV7.

Sau một khoảng thời gian khá lâu để chờ ê kíp làm chương trình lắp đặt máy móc, cuối cùng chúng tôi cũng được bắt đầu những công việc đầu tiên là: cười thật tươi, vỗ tay thật to, với những gương mặt phải tỏ ra thật thích thú.

Thế nhưng, thực chất thì lúc đó chương trình vẫn chưa diễn ra, chúng tôi chỉ “diễn” để ghi hình trước. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt, dựng để sử dụng xen kẽ trong chương trình khi phát sóng.

Người hướng dẫn khán giả cũng “nhá hàng” trước những “tín hiệu” để vỗ tay trong suốt chương trình, khi MC dừng ở từ nào, diễn giả nói dứt câu nào. Trong trường hợp MC hay diễn giả nói sai, thì tất cả khán giả đương nhiên cũng phải “diễn” lại để ghi hình lại.

Nhiều khán giả trong phần lớn các chương trình đều được thuê - Ảnh: Thiên Hương 

Buổi ghi hình tôi tham dự hôm đó kéo dài hơn một giờ đồng hồ, nhưng ai cũng ráng giữ dáng ngồi chỉn chu để mình thật đẹp khi lên hình, dù máy quay chẳng mấy khi... hướng về phía khán giả.

Ghi hình xong một số, chúng tôi được giữ lại để tiếp tục ghi hình cho số tiếp theo. Việc này được “làm mới” bằng cách thay đổi vị trí ngồi để khi lên hình đỡ bị phát hiện là một khán giả tham dự chương trình đến hai lần, trong hai tuần liền với cùng một bộ trang phục. Đây là một trong những “chiêu” của nhà đài để tiết kiệm thời gian và nhân lực. Công việc làm khán giả của buổi sáng hôm đó đã mang về cho chúng tôi mỗi người 60.000 đồng/hai số.

Một sinh viên khều tôi, bảo: “Mất toi buổi sáng đi xe buýt từ Thủ Đức lên đây nhưng bù lại có những chuyện “hậu trường” giờ mới biết. Từ nay xem các chương trình truyền hình em sẽ ráng để ý đến… khán giả xem một khuôn mặt lên mấy số và có ai quen không”.

Sức hút của “nghề”
Trên đường về, tôi bắt chuyện với M.T., một sinh viên chuyên đi “săn” việc làm khán giả cho các chương trình. Theo T., đối với sinh viên thì đây có thể coi là một công việc bán thời gian có thu nhập vừa phải mà lại nhàn hạ.

“Sinh viên thường sôi động hơn những người làm nội trợ, công nhân viên nên thường được chọn làm khán giả. Nhưng cũng phải tùy chương trình và không thể xuất hiện quá thường xuyên vì sẽ bị quen mặt”, sinh viên này nói.

M.T. cũng tiết lộ, nếu ghi hình từ sáng đến chiều thì khán giả được khoảng 90.000-150.000 đồng tùy theo độ “cực khổ”. Vì không chỉ vỗ tay, có chương trình còn yêu cầu khán giả phải hò hét hoặc xung phong lên chơi trò chơi.

Cũng có nhiều chương trình, nhiệm vụ của khán giả không chỉ đến xem mà còn phải cổ vũ, khuấy động theo yêu cầu. Tuy nhiên, tùy chương trình, có khi người tham gia không được trả tiền mà lợi ích duy nhất là họ có cơ hội xem trực tiếp các gameshow, chương trình ca nhạc.

Khán giả trong chương trình Ngôi nhà âm nhạc - Ảnh: Duy Minh

Tiếp tục đóng vai một khán giả cần… việc, tôi được một người bạn giới thiệu đến hội Fan Việt do anh Quốc Cường làm chủ nhiệm. Tôi gặp anh Cường ngỏ ý xin tham gia hội. Anh nhìn tôi dò xét rồi đưa ra một loạt quy định: “Muốn tham gia, quan trọng là em phải “sung”, luôn nhiệt tình, đồng thời phải tôn trọng, quan tâm đến người đồng hành, và đặc biệt là không được trễ giờ”.

Xếp hàng trước khi vào trong khán đài - Ảnh: Thiên Hương

Show đầu tiên tôi được giao là làm khán giả cho chương trình Ngôi nhà âm nhạc (phát sóng trực tiếp vào thứ sáu hằng tuần trên HTV7) mà không có “tiền cát sê”.

20 giờ 30 phút mới ghi hình, nhưng chúng tôi phải có mặt trước một tiếng, tập trung xếp hàng đi vào trong theo chỉ dẫn của anh Cường và người dẫn đầu mỗi nhóm.

Trong chương trình này, có khoảng 200 người khán giả, chia thành bốn nhóm, “đóng quân” ở các vị trí khác nhau trong khán đài.

Chúng tôi xếp hàng vào trong mà không cần vé vì được nằm trong “suất” khán giả mà anh Cường đã thỏa thuận trước với ban tổ chức. Ai đến trễ hoặc mất tập trung khi xếp hàng sẽ bị trưởng nhóm khiển trách.

Thu xếp các dụng cụ hỗ trợ sau buổi cổ động - Ảnh: Duy Minh

Khán giả của chương trình này khá đa dạng với nhiều lứa tuổi, vì ngoài các thành viên trong hội Fan Việt, ban điều hành hội còn huy động thêm bạn bè, người quen. Sau khi vào trong ổn định chỗ ngồi, chúng tôi được phát dụng cụ hỗ trợ cổ động. Đó là hai chiếc gậy làm bằng xốp, khi vỗ chúng vào nhau sẽ phát ra những tiếng kêu rất to.

Không phải chờ lâu để được thử sức với “vũ khí” mới mẻ này, Cường hò hét kêu gọi mọi người reo hò, vỗ gậy để “làm nóng” trước khi chương trình bắt đầu.

Hào hứng là thế, nhưng đến khi nhập cuộc, tôi mới biết làm khán giả trong một cuộc thi ca nhạc không hề đơn giản. Trong mỗi phần thi ca hát hay nhảy múa của thí sinh, chúng tôi đều phải vỗ hoặc quơ gậy theo nhịp điệu liên tục, mỏi tay đến rã rời.

Thấy tôi thấm mệt, “thủ lĩnh” nhóm tôi ra chiều thông cảm: “Chị thử vừa vỗ vừa lắc lư theo nhạc đi, sẽ đỡ mệt hơn đó”. Tôi làm theo và bắt đầu cảm nhận được sự say mê kỳ lạ của những bạn trẻ này. Dù không được trả tiền nhưng họ đã cổ vũ liên tục không mệt mỏi. Điều này khiến tôi tò mò và bắt tay vào tìm hiểu về hội Fan Việt.
Thiên Hương


Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120529/lo-hong-tap-doan-tong-cong-ty.aspx

Với vai trò đầu tàu nền kinh tế, chiếm 700.000 -800.000 tỉ đồng vốn sở hữu nhà nước, nhưng từ năm 2006 đến nay, cơ chế giám sát tài chính lỏng lẻo, không chế tài, không phân rõ trách nhiệm chủ sở hữu vốn... khiến nhiều tập đoàn rơi vào nợ nần, thua lỗ.

Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty
Vinalines đang gặp phải sóng to, gió lớn khi chìm trong nợ nần, thua lỗ  - Ảnh: Duy Anh
"Lớn" nhưng không "mạnh"
Các TĐ - tổng công ty (TCT) nhận được rất nhiều ưu ái về đất đai, tài nguyên, thị trường, vốn, thuế... Kể cả độc quyền hàng hóa, dịch vụ, được nhà nước giao cho quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản nhằm kinh doanh, phát triển và bảo toàn vốn. Nhờ sự ưu đãi này, vốn chủ sở hữu tại các TĐ - TCT tăng từ 317.647 tỉ đồng năm 2006 lên 653.166 tỉ đồng năm 2011. Nguồn để tăng cường vốn sở hữu lên tới hơn 200% còn do lợi nhuận sau thuế bổ sung, nhưng một phần cũng nhờ quá trình cổ phần hóa, định giá lại tài sản từ đất đai, thặng dư vốn sau cổ phần. Quá trình tích lũy tổng tài sản của tất cả các TĐ - TCT ở thời điểm hiện tại lên tới gần 1,8 triệu tỉ đồng, tăng gấp 238% so với năm 2006.

"Lớn" là vậy nhưng rất nhiều TĐ - TCT lại không hề "mạnh" tương xứng. Ngoài những khoản thu ít ỏi so với nguồn lực vào  ngân sách hằng năm, không ít TĐ - TCT thua lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng, kèm theo hàng loạt vi phạm trong đầu tư vốn, sai phạm, tham nhũng, thất thoát. Ngay cả nhiệm vụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cũng hết sức mờ nhạt. Nổi cộm là thị trường xăng dầu, điện... luôn xáo trộn, giá luôn rơi vào cảnh biến động bất thường.

Sức mạnh thực sự của TĐ - TCT được đặt dấu hỏi từ lâu, nhưng phải đến khi "con tàu đắm" Vinashin bị phanh phui, mổ xẻ thì tảng băng chìm bắt đầu lộ diện. Vinashin được bảo lãnh vay vốn quốc tế, trong nước, chiếm hữu những vị trí đắc địa nhất. Với kỳ vọng đưa ngành đóng tàu vươn ra biển lớn, đứng tốp đầu thế giới, nhưng rốt cuộc Vinashin để lại số nợ lên tới 86.000 tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (TGĐ) đi tù, ngành đóng tàu rơi vào bĩ cực. Chưa hết, con tàu đắm này còn kéo theo hàng chục ngân hàng suýt chết chìm theo khi các cơ quan quản lý xác định, đã có hàng chục nghìn tỉ đồng nợ xấu Vinashin nằm trong hệ thống.

Đống nợ của Vinashin chưa giải quyết hết, "quả bom" Vinalines lại phát nổ sau khi thanh tra công bố hàng loạt sai phạm. Cụ thể, tổng số lỗ trong 2 năm 2009 - 2010 lên tới hơn 1.686 tỉ đồng, các chỉ số tài chính khác đều đáng quan ngại. Năm 2009 Vinalines lỗ 412,325 tỉ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang). Điều đáng nói, nếu năm 2007 nợ phải trả là 17.071 tỉ đồng chiếm 65,8%, thì năm 2010 là 36.599,7 tỉ đồng chiếm 91,4% tổng nguồn vốn. Hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn âm 14,8% năm 2010. Cùng với sai phạm trong việc mua ụ nổi, nguyên Chủ tịch HĐQT của Vinalines đang bỏ trốn và bị truy nã, một loạt cá nhân khác cũng bị khởi tố, tạm giam chờ ngày xét xử. 

Trước đó, trong quý 1/2012, Thanh tra Chính phủ tiến hành 25 cuộc thanh tra tại một số TĐ - TCT lớn, như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn hóa chất... Qua đó, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỉ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.000 tỉ đồng. Trong đó Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên sai phạm hơn 10.000 tỉ đồng; Tập đoàn hóa chất VN và các đơn vị thành viên là trên 700 tỉ đồng...

Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty
Người lao động ở nhà máy đóng tàu thuộc Vinashin là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp sau những thua lỗ của tập đoàn này
- Ảnh: Mai Vọng

“Cha chung không ai khóc”
Kinh doanh yếu kém, lãnh đạo tham nhũng, vi phạm dẫn tới TĐ - TCT làm ăn thua lỗ đã đành, nhưng điều lạ, suốt thời gian dài hết Vinashin đến Vinalines thua lỗ mà không có một cơ quan chủ quản nào phát hiện ra. Chỉ đến khi Ủy ban kiểm tra T.Ư vào cuộc, Thanh tra Chính phủ kết luận mọi việc mới được công khai. Để xảy ra sai phạm, kinh doanh thiếu hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước, trách nhiệm đầu tiên của người đại diện vốn chủ sở hữu gồm: chủ tịch công ty hay chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ban kiểm soát nội bộ...  Tuy nhiên, cũng không thể thiếu trách nhiệm của chủ sở hữu trong giám sát và đánh giá hiệu quả kinh doanh. Luật không thiếu, quy chế cũng không thiếu, nhưng điều đáng buồn là những chính sách lạc hậu, không theo kịp hoạt động sản xuất - kinh doanh; sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các bộ, ngành, chủ quản để tiền ngân sách nhà nước - tiền thuế của dân đổ sông, đổ biển. 

Thực tế, để quản lý các TĐ - TCT, Thủ tướng có Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg, kèm theo quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả, thế nhưng phải đến năm 2009 Bộ Tài chính mới có hướng dẫn. Tuy nhiên, cả 2 văn bản trên đều không hề có quy định cụ thể Chính phủ giao cho bộ nào giám sát TĐ; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm giám sát TCT nào… dẫn tới cảnh “cha chung không ai khóc”. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đùn đẩy giám sát cho nhau, không ai đánh giá, không ai báo cáo các TĐ - TCT làm ăn ra sao. Lẽ đương nhiên, đến khi đổ vỡ thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng có lẽ điều trớ trêu nhất là không có bất cứ chế tài nào dành cho chủ sở hữu - tức cơ quan quản lý các TĐ - TCT này.
Đó là lý do mà sai phạm, tham nhũng, thua lỗ cứ nối tiếp nhau và chưa biết bao giờ dừng lại.  


Thiếu chặt chẽ trong quản lý, giám sát  
Trước năm 2010 - thời điểm các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động theo luật DNNN 2003 - các chủ sở hữu được phân định gồm: Thủ tướng, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính, còn Hội đồng quản trị (HĐQT) được cử làm người đại diện chủ sở hữu. Luật cũng quy định nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò người đầu tư vốn, tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu - quyền quản lý nhà nước với quyền chủ động kinh doanh của DN. Nhưng cho đến nay, đã 7 năm vẫn chưa thể thực hiện được quy định này.
Hội đồng thành viên (HĐTV)/HĐQT thường trực tiếp can thiệp vào sự điều hành của tổng giám đốc (TGĐ), khiến hai bên thường xảy ra mâu thuẫn. Điển hình nhất là trường hợp Vinalines, sau khi hàng loạt sai phạm, thua lỗ bị phanh phui, nguyên Tổng giám đốc Mai Văn Phúc “tố” ông Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT chuyên quyền, độc đoán tự ý định đoạt mọi hoạt động, sản xuất, nội bộ đấu đá nhau, bỏ bê hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hay như trường hợp Vinashin, ông Nguyễn Thanh Bình vừa giữ chức Chủ tịch lại kiêm luôn cả TGĐ khiến TĐ này nợ nần, thua lỗ. Điều đó cho thấy, cơ chế trên đã vô tình biến chủ tịch HĐTV của công ty mẹ TĐ trở thành “ông chủ” với quyền lực quá lớn. Trong khi đó, vai trò quản lý, giám sát của nhà nước vô cùng thiếu chặt chẽ, các bộ chủ quản không đánh giá hiệu quả hoạt động, không đánh giá báo cáo tài chính, không gửi hoặc báo cáo cho có đến Bộ Tài chính thẩm định. Đó chính là nguyên nhân vì sao TĐ - TCT thua lỗ triền miên nhưng chậm bị phát hiện, đến khi lộ ra thì hậu quả quá nặng nề.

Anh Vũ


Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Tâm tư giáo giới hậu "Đồi Ngô"

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77883/tam-tu-giao-gioi-hau-doi-ngo.html


6 giáo viên nhận hình thức kỷ luật sa thải trong sự việc tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô trong bối cảnh, dư luận và nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá “ Đồi Ngô cũng không tồi hơn các “đồi” khác”. Giáo giới nghĩ gì về những người đồng nghiệp chịu kỷ luật trong bối cảnh này?
 
TIN BÀI LIÊN QUAN





Trường THPT dân lập Đồi Ngô

Câu hỏi đó không nhận được câu trả lời nào từ những người cầm phấn. Những gì đọng lại là những câu hỏi: Ngành giáo dục không bảo vệ được giáo viên?

Chúng tôi đã tìm đến một vị giáo viên “già” có hơn 30 năm đứng lớp về những tâm tư của ông khi chứng kiến đồng nghiệp bị kỷ luật trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Bản thân ông cho đến hôm nay vẫn nhận được sự kính trọng từ các thế hệ học sinh. Thế nhưng ông từ chối bình luận vì cho rằng chính mình cũng đang xuống cấp rồi.

Trò chuyện với ông, chúng tôi mang những câu hỏi mà có lẽ nhiều người cũng muốn hỏi khi nói về nghề giáo: “Ai làm giáo viên cũng muốn học trò mình giỏi, cũng muốn một kết quả trung thực chứ. Vậy tại sao,ở kỳ thi tốt nghiệp, nhiều giáo viên lại chấp nhận “nhắm mắt coi thi”?

“Người ta nhắm mắt trong bối cảnh nhiều người cùng nhắm!” – ông nói. “Thử hỏi xem, ngoài giáo viên, có bố mẹ học sinh nào không muốn con mình giỏi, không muốn kết quả 12 năm cắp sách đi học của con mình là thật?”

“Bây giờ mình cho bài văn 6 điểm thì cách đây 20 năm mình chỉ cho có 4 điểm thôi. Thế nhưng học trò vẫn kêu mình chấm điểm đắt thế. Vậy đấy, tự bản thân mình thấy mình cũng đã xuống cấp thế mà vẫn chưa kịp với thời thế”.

Nhưng khi giả dối tràn lan, thậm chí người ta thấy nó là bình thường thì tình hình lại khác đấy. Người giáo viên như chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn từ xã hội, từ bố mẹ học sinh. Ngay cả khi biết trung thực là tốt cho con họ nhưng cái hại nhãn tiền là con họ trươt tốt nghiệp, họ sẽ quay sang chỉ trích những người làm thật ngay lập tức.”

Nhưng đáng lẽ, những giáo viên trung thực như vậy sẽ được ngành giáo dục bảo vệ chứ? Lật lại thực tế, trước những sự kiện giáo dục nào đó, mà thường là những sự kiện tiêu cực xảy ra, dư luận thật khó khăn để được nghe ý kiến của một giáo viên nào đó, đặc biệt là những ý kiến mang tính phê bình, phản biện. Cô giáo dạy Sử nổi tiếng của trường chuyên ở Hà Nội sẽ không dám nhận xét đề Sử trong kỳ thi tốt nghiệp hay đại học vì “ở trên đều là các thầy mình cả” hoặc một lời từ chối khéo khác.

“Bạn không thể tìm được người nào có thể lên tiếng về những sai phạm như thế này trong giáo giới đâu. Giáo viên chúng tôi tốt nhất là an phận.”- vị thầy giáo già nói.

Ông nhắc lại câu chuyện về các vị giám đốc Sở bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, phê bình và phải giải trình khi để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh mình tăng chậm hơn so với các tỉnh khác từ lúc cuộc vận động “Hai không” được phát động.

Câu chuyện về phong trào thi đua trong giáo dục mà những bản đăng ký thi đua được “áp” từ trên xuống từng kỳ, từng năm, bất chấp thực tế chất lượng đầu vào ra sao là nguyên nhân quan trọng. Thầy giáo già nói: “Điều này TS. Ngô Tự Lập đã nói rõ rồi.”

“Giáo viên đã mất niềm tin ở trên và vì thế, ai cũng có tâm lý an phận.”- ông kết luận.
TS Nguyễn Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) nêu ý kiến: “Nếu một thầy cô nào đó từ chối ném phao cho học sinh, rồi sẽ có nhiều người khác làm như vậy, vì tôi tin chắc không có một thầy cô giáo nào vui sướng trong lòng khi thực hiện hành động tiếp tay cho học trò dối trá.”

“Nhưng, cái nước Việt mình nó thế!” – Câu nói nổi tiếng của GS Hoàng Ngọc Hiến được người giáo viên già nhắc lại, thay cho câu trả lời.
  • Nguyễn Hường - Hương Giang

Chê SV Ngoại thương

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/78253/che-sv-ngoai-thuong--nha-tuyen-dung-co--van-de-.html


Có hai luồng ý kiến tham gia diễn đàn Nhà tuyển dụng nói không với sinh viên Ngoại thương?. Số đông cho rằng, các bạn sinh viên cần nhìn lại mình và nên biết khiêm tốn. Luồng ý kiến khác lại phán đoán do công ty đó không đủ tiền để trả lương nên mới "nói không".... 


TIN BÀI LIÊN QUAN:



Cách tuyển dụng "lạ": Không tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại thương của một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội.  

Độc giả: pham thai chau
Tiêu đề:
"Sinh viên Ngoại thương nên nhìn lại mình"
Tôi nghĩ các bạn sinh viên Ngoại thương nên nhìn lại mình đi, chứ đừng có phản ứng thái hóa mà đánh mất hình ảnh của trường mình. Học ở một trường danh tiếng là một lợi thế cho các bạn khi bước vào đời để kiếm việc rồi. Nhưng một đất nước muốn tiến lên Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa không những cần những anh biết buôn bán và giao thương với nước ngoài mà cần lắm những tri thức trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật nữa. Xã hội đã phân công công việc rõ ràng rồi nên các bạn đừng tự coi minh là trung tâm nữa mà tự cao đứng lên trên mọi người. Hãy thực sự khiêm tốn và nhã nhặn trước mọi tình huống nhé!

Độc giả: Nguyễn Ngọc Khánh
Tiêu đề:
"Điểm yếu của sinh viên Ngoại thương là sự tự tin"
Tôi từng là trưởng phòng cũng có nhiều lần tuyển dụng và đứng ở vị trí phỏng vấn. Cảm nhận của tôi với sinh viên Ngoại thương khá tốt về mặt trình độ, sự tự tin và năng lực. Có lẽ đây cũng chính là điểm yếu của các bạn. Ấn tượng tốt như vậy, nhưng kinh nghiệm thực tế và sự lăn xả các bạn dường như bị sự tự tin đánh mất. Các bạn xử lý công việc theo khả năng, không tham khảo ý kiến đồng nghiệp, tự quyết định cho rằng mình đúng và với tôi đã mang lại không ít phiền hà. Ngược lại với những bạn sinh viên bình thường khác, tôi nhìn thấy ở họ sự cầu thị, khả năng học hỏi, họ tiến nhanh hơn , trình độ và sự tự tin cũng dần lên. Theo tôi các bạn nên khiêm tốn, với một nhà tuyển dụng nhân tài không phải ở danh tiếng của Trường nơi các bạn học. 

Độc giả: Nguyen Tien
Tiêu đề:
"Kỹ năng sống rất quan trọng"
Tôi cũng thừa nhận là sinh viên ĐH Ngoại thương có trình độ tốt và tương đối đồng đều. Nhưng tôi quan tâm đến kỹ năng sống. Việc có bạn đòi phải ở khách sạn 5 sao không quan trọng bằng việc bạn đó đã biết cách sử dụng khách sạn 5 sao chưa, từ chuyện đi đứng, chào hỏi, ăn uống... Chúng ta rất dễ bị đánh giá không tốt về chuyện này. Ngoài kiến thức chuyên môn thì kỹ năng sống quan trọng không kém. Nếu như chuyện tuyên bố của cty tuyển dụng kia là có thực trước chuyện đòi hỏi của bạn sinh viên nào đó thì rõ ràng bạn đó thiếu kỹ năng sống. 

Độc giả: hungviet
Tiêu đề:
"Nhà tuyển dụng có quyền chọn người phù hợp"
Tìm người phù hợp chứ không tìm người giỏi nhất. Một nguyên tắc đương nhiên của lãnh đạo khi tuyển dụng là: Chọn người phù hợp chứ không chọn người giỏi nhất! Người phù hợp ở đây là gì, là người có đủ năng lực để hoàn thành công việc theo một yêu cầu chung. Với mỗi vị trí/ mỗi nhà tuyển dụng đều có những yêu cầu riêng có của mình. Việc cho rằng SV FTU có hay không phù hợp với vị trí đó cũng do nhà tuyển dụng quyết định. Không có gì làm lạ khi có những thông báo tuyển dụng dạng này: 1. Nhà tuyển dụng muốn có 1 nhân viên dễ bảo, biết việc chấp nhận công việc, không nhảy việc linh tinh. 2. Nhà tuyển dụng cảm thấy môi trường làm việc của mình không đủ khả năng, không đủ rộng để các bạn FTU làm việc, sợ rằng sau đó các bạn ý lại nhảy việc hoặc khó bảo ...  

Độc giả: Meo
Tiêu đề: "Doanh nghiệp chê sinh viên ngoại thương là bị có vấn đề"
Đầu vào tốt, đầu ra tốt, đương nhiên là tất cả tốt. Học đại học Havard ra trường thì bao giờ cũng làm to, ông này bà nọ, công việc và doanh nghiệp xoàng thì làm giảm giá trị của họ. Đã đến lúc xã hội cần phải tôn vinh những trường có chất lượng cao, khi đó Việt Nam chúng ta mới có những trường đứng trong TOP của quốc tế. Tôi không học ĐH Ngoại thương nhưng tôi cũng rất ngưỡng mộ họ, tuyển một nhận viên giỏi thì họ làm được nhiều lợi nhuận hơn, giá trị doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Có lẽ doanh nghiệp nọ không đủ tiền để trả lương cho họ lên nói vậy.
Một độc giả giấu tên nêu quan điểm ủng họ tiêu chí của nhà tuyển dụng và cho rằng: việc tuyển dụng như thế nào phụ thuộc vào nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tôi ủng hộ, nhà tuyển dụng có quyền hạn chế đối tượng tuyển.

Độc giả: Hạnh
Tiêu đề:
"Hãy để cho thị trường tuyển dụng tự lên tiếng"
Tôi có nghe/ đọc (chưa từng gặp) về một số doanh nghiệp thông báo miệng/ bằng văn bản về việc không tuyển dụng SV Ngoại thương. Nhưng sự thật là nếu có, đều là các doanh nghiệp nhỏ, xin lỗi, không tên tuổi. Nhưng tôi chưa từng thấy các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nước ngoài có ý kiến gì, ngược lại, họ thường có xu hướng đánh giá cao SV Ngoại thương. Cho nên các bạn Ngoại thương cũng không cần phải lo lắng, thanh minh nhiều. Còn rất nhiều doanh nghiệp đánh giá ứng viên trên cơ sở chính bản thân họ, chứ không phải vào việc bạn đến từ đâu.
  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)