Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Họp, họp và… họp

http://vov.vn/Home/Blog-Xiu-Hop-hop-va-hop/20123/203435.vov

Thực ra nhiều vị sợ họp lắm nhưng sao vẫn phải họp nhỉ. Nhiều lúc lại thấy oan cho chữ họp. Họp là cần thiết đấy chứ…
 

Hồi công tác trong Nam, có lần tôi được dự cuộc họp khẩn cấp tại một xã đang có dịch cúm gia cầm. Đích thân Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì. Tôi thấy mọi người vẫn đồn thổi là người Nam bộ hay "cà rầm cà rề" họp hành, phát biểu lê thê. Nhưng quả là oan uổng. Cách điều hành của vị Bí thư người Nam bộ xua tan những nghi ngại. Nhanh, trực diện, ông đi thẳng vào những việc thiết thực, không rào trước đón sau, kính thưa kính gửi dài dòng!

Có thể tóm lược tinh thần cuộc họp như thế này: Bí thư hỏi lãnh đạo xã: "Ở thôn có ban chỉ đạo phòng chống dịch không?". Chủ tịch xã thưa vội: "Dạ, có chứ ạ! Thôn nào chúng tôi cũng thành lập ban chỉ đạo!". Bí thư Tỉnh uỷ nghiêm khắc: "Cấp gần dân nhất là cấp thôn mà vẫn chỉ thì ai làm cho dân hay lại tự dân lo, dân làm?".

Rồi ông yêu cầu dừng ngay tất cả các cuộc họp không cần thiết để cứu dân thoát dịch; mọi hành xử của lãnh đạo phải vì quyền lợi của người dân, không được lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi tư túi khi khai tăng số gia cầm chết để chia tiền hỗ trợ. Rồi ông yêu cầu các ngành chức năng báo cáo nhanh các giải pháp khắc phục khó khăn để dập dịch. Ngành nào lúng túng ông đưa ra cách tháo gỡ ngay. Cuộc họp kết thúc gọn và đích thân Bí thư di chuyển nhanh ra xe để tới vùng dịch.

Thêm một giai thoại về vị Bí thư này. Khi đọc báo cáo của một ngành thấy khác xa so với thực tế, ông quyết liệt phê bình: "Báo cáo của các đồng chí tôi chỉ giữ lại một dòng duy nhất chuẩn là Kính thưa các đồng chí"...
Từ câu chuyện của vị Bí thư đáng kính thấy bây giờ nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp đang thiếu một tư duy đổi mới như thế. Từ lâu bệnh họp hành vô  thưởng vô phạt phổ biến gây ì trệ từ bộ máy lớn cho tới từng thành viên. Tham nhũng thời gian hình như ít bị chúng ta lên án. Những cuộc họp như thế tất yếu gây lãng phí lớn thời giờ, tiền của. Người ta in ra vô số báo cáo được copy-paste từ những form cũ, phát cho đại biểu. Và đại biểu ngồi dò từng chữ từng câu theo từng lời đọc của cử toạ trên bục. Thực ra nhiều vị sợ họp lắm nhưng sao vẫn phải họp nhỉ. Nhiều lúc thấy oan cho chữ họp. Họp là cần thiết đấy chứ. Nó giúp cho mọi việc được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả. Ở đây nói là nói các cuộc họp hình thức, thừa thãi, lấy lệ hoặc thậm chí để giải ngân. Nhiều cuộc nội dung thì ít nhưng kéo dài tưởng chừng "no stop" bởi những diễn văn, báo cáo dài như... vô tận!

Một công thức từ lâu đã trở thành mạn tính có nguy cơ nhờn thuốc: họp, hội thảo..., đóng bộ com-pờ-lê, ca-ra-vat, xếp hàng ký lĩnh phong bì, vô hồn nghe báo cáo... Bác nào nhiều trách nhiệm hoặc thích oai thì ngồi bàn đầu, còn nhà em thì cứ chọn chỗ cuối phòng, gần cửa. Ngó nghiêng thấy ổn là chuồn, không thì cũng có thể khò khò làm một giấc ngắn. Khổ nhất các bác "view" không được đẹp, đành phải căng hết cơ mắt giấu diếm cơn buồn ngủ. Có cuộc họp, người ta nghĩ kế bế mạc mới phát phong bì. Bác nào khôn vặt-bó tay!

Đến đây, tự sờ gáy mình chợt thấy viết quá lê thê rồi, xin được kết thúc bằng một giai thoại ngắn. Một lãnh đạo tổ chức họp, khai mạc gọn ghẽ: "Trước tiên xin mời các đồng chí nêu thắc mắc kiến nghị"... Đợi chờ giây lát không ai phát biểu, ông lên tiếng: "Không đồng chí nào phát biểu, tôi phát biểu vậy, cuộc họp của chúng ta xin được kết thúc tại đây". Anh em vỗ tay hỉ hả. Sếp này xem ra đã học tập vài nguyên thủ nước ngoài với diễn văn ít chữ nhất quả đất: "Tôi xin tuyên bố khai mạc giải bóng đá thế giới".

Ôi hay đấy chứ! Tôi xin tuyên bố kết thúc bài viết này tại đây./.


Trần Nhật Minh

Khi lòng tin bị đánh cắp

http://vov.vn/Home/Blog-Ngo-Khi-long-tin-bi-danh-cap/20125/211038.vov


Liệu người ta có thể bột phát độc ác khi niềm tin của họ đã bị đánh cắp và đồng thời được trang bị một thứ giáo điều khả tín nào đó?
Mọi người cứ nói dân thành phố ghê gớm, nhìn người bằng nửa con mắt. Không phải là tất cả nhưng đó là sự thật. Gần đây lại có nhiều chuyện hành xử thiếu tình người. Tại sao vậy?

Thực ra phần lớn cư dân Hà Nội và nhiều thành phố khác hiện nay đều từ các vùng quê ra. Vậy thì vì sao họ lại lột xác nhanh đến vậy để từ những người hồn hậu, bỗng chốc trở thành (một thiểu số) ghê gớm, nhìn người bằng nửa con mắt? Tôi cố thử lý giải và thấy nguyên nhân có nhiều. Tuy nhiên câu chuyện dưới đây lại gợi ý một nguyên nhân bắt nguồn từ thực tiễn.

Hàng xóm cạnh nhà tôi là dân ở một vùng quê xa Hà Nội hơn trăm cây. Vì mưu sinh, hai vợ chồng trẻ quyết trụ lại Hà Nội. Công việc tiến triển tốt,  họ mời bố mẹ ra ở cùng gọi là chăm sóc những ngày cuối đời để trả ơn sinh thành. Bố mẹ của họ, cũng như nhiều người dân quê ra sống cùng con cháu ở thành phố,  suốt ngày lủi thủi trong nhà.

Một hôm người thu tiền nước và vệ sinh đến yêu cầu ông bà nộp lệ phí. Ông bà nói không biết, đợi đến tối, khi các cháu về thì mới có tiền. Qua khe cửa hẹp, nhân viên thu ngân nói xẵng rằng nếu không đóng thì chiều sẽ cắt nước và không ai đổ rác cho gia đình. Sợ con cái nghĩ có hơn trăm bạc mà bố mẹ tiếc, chiều lại chẳng có nước thổi cơm, nên ông bà đồng ý đóng tiền nhưng phải có biên lai. Chưa dứt lời, nhân viên thu ngân xé biên lai cái roạt ném vào trong nhà.

Khổ thân hai cụ, chiều các con về phát hiện biên lai rởm, cho dù có đủ cả con dấu và chữ ký. Thế là mất toi gần hai trăm bạc! Số tiền không lớn, không tiếc, nhưng qua thái độ, ông bà biết chúng tức giận quân lưu manh lừa đảo. Con ông bà chẳng nói gì nhưng bữa cơm chiều trôi qua trong im lặng.

Sau vụ ấy, ông bà quyết đóng chặt cửa không thèm trả lời bất kỳ ai cho dù người đó có kiên nhẫn bấm chuông. Bẵng đi vài tháng, một hôm có vị sư vận đồ nhà chùa kiên nhẫn lần tràng hạt và lâm rầm cầu kinh trước cửa hơn 10 phút. Thấy vị sư đứng đó không bấm chuông cũng chẳng gõ cửa nên ông bà ló đầu ra hỏi cần gì. Vị sư cung kính gập người chào rồi nhỏ nhẹ đáp: Tôi được cử đi bán hương cho các tín đồ phật tử để gây quỹ tu sửa chỉnh trang lại nhà chùa. Đây là địa chỉ chùa và danh sách những người ủng hộ bằng việc mua hương. Xin thí chủ hãy mở lòng hảo tâm.

Một hành động phúc đức thế sao lại không làm? Mà người ta bán hương chứ có yêu cầu mình nộp tiền vệ sinh như cái lũ thất đức kia đâu? Nghĩ vậy, hai ông bà mua vài bó hương gọi là ủng hộ, lại còn được ghi danh để ghi tên vào bảng vàng công đức. Gớm, bỏ ra có trăm ngàn mà được lưu danh hậu thế! Đúng là nhà chùa làm gì cũng có trước có sau. Vị sư đảo mắt nhét tiền vào tay nải rồi rảo chân quay gót để lại đằng sau lời cảm ơn rối rít của hai ông bà.

Tối đến, khi kể lại câu chuyện trên, con trai ông bà nhăn nhó nói bố mẹ ơi hương rởm đấy, toàn hóa chất, đốt lên không khéo ngộ độc. Nghe vậy, ông bà cứ ngẩn ra. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Sau hai cú lừa ấy, lại được con quán triệt, ông bà quyết thực hiện ba không (không nghe, không thấy, không nói) với tất cả mọi người. Gì chứ cái này thời chống Pháp ông bà đã biết rồi. Bởi thế bây giờ đi tới nhận thức chung và quyết tâm thực hiện chẳng khó gì.

Mà đúng thật, cách đây vài hôm, ông bà nhất định không cho hai mẹ con đứa em họ tôi trú mưa ở mái hiên cho dù cháu đã thanh minh là có họ với tôi, vừa ở quê ra đúng lúc tôi không có nhà.

Ông bà suy nghĩ lung lắm, lại còn chụm đầu hội ý, phân tích để nhận định, phán đoán tình hình. Đối tượng này chưng đứa bé ra để lấy lòng trắc ẩn của mọi người đây. Lại tìm đến đúng lúc cơn mưa để hợp lý hóa và đưa con mồi vào thế khó xử, đáng ngờ, rất đáng ngờ, vì thế cần phải kiên quyết. Thế là ông bà đuổi em tôi, một thiếu phụ đang ôm con trong cơn mưa tầm tã, như đuổi tà. Lúc ấy, chẳng thể tìm được vẻ phúc hậu và chất phác của người dân quê trên khuôn mặt ông bà, chỉ thấy lồ lộ ra vẻ ghê gớm và nhìn người bằng nửa con mắt.

Kể lại câu chuyện này, tôi cứ băn khoăn, liệu người ta có thể bột phát độc ác khi niềm tin của họ đã bị đánh cắp và đồng thời được trang bị một thứ giáo điều khả tín nào đó? Liệu tình huống và môi trường có phải là nguyên nhân làm cho người thiện trở thành kẻ ác?/.


Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Bài văn lạ cô cho điểm 0, học trò thích thú

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72005/bai-van-la-co-cho-diem-0--hoc-tro-thich-thu.html

- Gần đây, trên mạng truyền nhau một bài văn lạ với đề bài  “phân tích vấn nạn bạo lực học đường”. Mặc dù bài văn được cư dân mạng đánh giá cao nhưng thực tế tác giả bài viết đã nhận điểm 0 tròn trịa với lời phê của giáo viên "Ý thức kém, em cần chỉnh sửa ngay".
 


Nội dung bài văn được lưu truyền như sau:

Bạo lực học đường là 1 vấn đề vô cùng nhức nhối. Bạo lực không chỉ xuất hiện ở nam sinh hay nữ sinh, mà còn bạo lực về cả vấn đề tâm lý, hay người ta còn gọi là khủng bố tinh thần. Ví dụ tiêu biểu là học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học. Ví dụ mùa hè, quạt trong phòng học chỉ mang tính chất minh họa, không có giá trị thực tiễn. Một phòng học chỉ có 5 cái quạt, 1 cái ở chỗ ngồi giáo viên, 2 cái ở giữa lối đi cho giáo viên đi lại, và 2 cái dành cho 50 học sinh còn lại. Với chiều dài mỗi cánh quạt là 50cm, khoảng cách từ quạt đến mặt đất là 3m, quạt chạy trong hiệu điện thế 220V, sử dụng dòng điện của máy phát điện xoay chiều 3 pha. Từ đó ta tính được quạt có thể làm mát được 1 khu vực có bán kính hơn 1m hay xấp xỉ là 3 bàn học. 3 bàn /7 bàn nên tức là 4 bàn bị nóng, ở 2 dãy sẽ là 8 bàn, mỗi bàn có 4 người nên sẽ có 32 người bị nóng. 32/50 người, 1 con số vô cùng lớn....
Tác hại của việc bị nóng: Cơ thể của 1 người trưởng thành có 70% là nước. Nhiệt độ mùa hè trung bình vào khoảng 35 độ C tức là tốc độ trung bình của sự bốc hơi nước là vào khoảng 0.15l/giờ, nên trong 1 buổi học kéo dài 1h cơ thể sẽ mất 0.6l nước. Cơ thể người có khoảng 30l nước, tức là chúng ta mất khoảng 2% lượng nước trong cơ thể. Cơ thể chúng ta khi mất từ 2-5% lượng nước sẽ dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, não bộ mât khoảng 7-8% khả năng hoạt động nên ảnh hưởng vô cùng lớn tới việc học, đấy là chưa kể đến sự ức chế có thể gây ra do nóng bức..

Bằng kiến thức về vật lý, hóa học, sinh học, tác giả đã mô tả về lớp học của mình với thực tế “5 cái quạt bố trí thiếu khoa học cho tận 50 học sinh”. Tác giả đã chỉ rõ các điểm vô lý của hệ thống quạt, sự bốc hơi nước, tác động sinh học tới đầu óc con người… Đặc biệt, cách lí giải thú vị của bài viết khiến nhiều người thích thú.


Bài văn lạ gây xôn xao cư dân mạng

Tuy nhiên, bài văn chỉ được điểm số 0 cùng với lời phê bình của giáo viên “Ý thức kém, em cần chỉnh sửa ngay”.
Ngay sau khi bức ảnh chụp trên được phát tán trên mạng, và lan truyền với tốc độ chóng mặt,  nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một bài văn đùa, làm ra với mục đích giải trí, "câu view" (lượng truy cập) và sự thu hút của cộng đồng mạng. Theo bình luận của một số biệt danh, đây chỉ là bản photo lại.


Theo tìm hiểu, chủ nhân của bài viết có thể là Vu Anh Nguyen, một học trò sinh năm 1994, hiện đang học ở Hải Phòng.
Tác giả bài viết đã thừa nhận chỉ là “chém gió”. Mặc dù vậy, bài văn vẫn được nhiều người hưởng ứng, đua nhau bày tỏ sự yêu thích (bấm nút like) và hầu hết đều dành một từ “bá đạo” cho bài văn.
Biệt danh Rùa Rong Ruổi bình luận: “Like mạnh. Đi học ngồi bàn đầu thì quạt chẳng bao giờ tới. Cả đời chịu nóng, bao giờ trường mình mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh chứ...".


Mặc dù là bài văn “chém gió” 100%, nhưng nó nhận được điểm cao trong lòng nhiều dân cư mạng, đặc biệt đối với các bạn học sinh có hoàn cảnh tương tự.
  • Kiều Linh

Nghĩa trang 5 vạn hài nhi bị bỏ rơi ở Hà Nội

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/73617/nghia-trang-5-van-hai-nhi-bi-bo-roi-o-ha-noi.html

Bàng hoàng chứng kiến nghĩa trang chôn cất hơn 50.000 hài nhi, những sinh linh vô tội ở Đồi Cốc (Sóc Sơn – Hà Nội).

TIN BÀI KHÁC


“Mỗi một bào thai dù chưa được sinh ra đã mang những linh hồn. Những đứa trẻ tội nghiệp chưa thành dáng, thành hình đã phải lìa trần do sự nhẫn tâm của các bậc sinh thành”… với quan niệm sống đậm tình người ấy mà gần chục năm qua, người dân làng Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) đã ngày ngày lặn lội khắp các miền đất nước để nhặt những thai nhi bị người ta bỏ đi để đem về chôn cất.

Nghĩa trang 5 vạn hài nhi

Đã ghé thăm các nghĩa trang hài nhi như nghĩa trang Nghĩa trang Quần Vinh (Nam Định), nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên Huế)…nhưng khi đến nghĩa trang Đồi Cốc ( Sóc Sơn – Hà Nội), PV không khỏi ngỡ ngàng và chua xót khi ngay giữa thủ đô có một nghĩa trang hài nhi lớn với hơn 50.000 mộ sinh linh vô tội.

Nghĩa trang Đồi Cốc trong một chiều đầu hạ, quang cảnh hiu hắt vắng lặng. Như mọi ngày, ông Nguyễn Văn Thạo (trưởng xóm Đồi Cốc) cặm cụi lấp đất lên những huyệt nhỏ của những sinh linh bé bỏng không có cơ hội được chào đời.


Nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc chôn cất 5 vạn hài nhi xấu số


Nhiều ngôi mộ đang đắp dở dang

Thi thoảng có đôi bạn trẻ đến thăm nghĩa trang thắp nhang rồi lặng lẽ ra về  

 Những bình sành này trước đó dùng đặt xác hài nhi

Rồi ông lặng lẽ thắp nhang. “Khổ thân những đứa trẻ chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành, mong muốn duy nhất của người dân Đồi Cốc là giúp những đứa trẻ được an nghỉ bình an”, ông nói.

Nghĩa trang Đồi Cốc được chia làm hai nửa, một nửa để an táng những người dân trong thôn, một nửa còn lại là những phần mộ dành cho những sinh linh vô tội bị bỏ rơi khi chưa kịp chào đời. Theo lời ông Thạo, mỗi một huyệt mộ tập thể chôn được 30 tiểu sành, ở nghĩa trang hiện nay có hàng trăm ngôi mộ như thế. Ước tính cũng đến hơn 5 vạn hài nhi đã được mai táng ở đây.

Trên những ngôi mộ có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, có em bé khi lìa đời có tên có tuổi được gắn trên bia, còn lại đa số là vô danh. Đặt lọ hoa cúc trắng lên ngôi mộ bé Đào Thị Đỏ mất ngày 3/4/2012, ông Thạo khẽ lau nước mắt kể, ngày người làng nhặt cháu về, cháu đã mang dáng hình của đứa trẻ, người ta bọc cháu trong tấm vải ghi rõ quê quán ở Bình Lục, Hà Nam.

Hiện nay, chúng tôi luôn phải đào sẵn huyệt mộ để an táng những đứa trẻ mới. Trung bình mỗi ngày nghĩa trang đón 20 cháu, thật đau lòng xót xa.

Khu chôn cất dành cho hài nhi trong nghĩa trang Đồi Cốc mới được xây dựng chưa đầy 10 năm. Con số hài nhi xấu số bị bỏ rơi được người làng đưa về đây an táng luôn gia tăng sau mỗi năm, thậm chí năm 2011 gấp đôi năm 2010. Theo người dân thôn Đồi Cốc cho biết, ở trên địa bàn huyện và địa bàn thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có nhiều khu công nghiệp, một số hài nhi bị bỏ rơi có bố mẹ là công nhân tại các xí nghiệp.

Họ bỏ đi máu mủ ruột rà của mình lúc chưa thành dáng thành hình thì quả là chua xót, đáng trách. Hơn 5 vạn hài chi chỉ là con số mà bà con thu nhặt được, chắc hẳn con số thực tế lớn hơn rất nhiều.

“Cuộc sống ngày càng phát triển thì con người ta sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở thị trấn Sóc Sơn, ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều những nấm mộ hài nhi mọc lên.

Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng. Càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà các bậc sinh thành chúng đã gây ra", một người dân trong làng xót xa.

Cả làng đi nhặt…xác hài nhi

Theo lời ông Thạo, năm 2000, một người dân trong làng đã vô tình phát hiện một hài nhi bị bỏ ở vệ đường, người đó thương cảm đã đưa về nghĩa trang thôn an táng. Thế rồi không ai bảo ai, từ đó tới nay, người dân trong làng hễ thấy hài nhi xấu số là nhặt về chôn cất, nhiều người còn lặn lội hàng chục cây số, biết có tin hài nhi bị bỏ rơi, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin về chôn cất.

Hòm công đức nơi dân làng góp tiền xây dựng nghĩa trang

Những ngôi mộ lớn vẫn đợi đủ hài nhi mới được lấp kín

Mọi người ở đây quan niệm, đứa trẻ dù chưa được sinh ra những đã có phần hồn và thể xác, phải an táng chúng như những con người khi lìa trần thì mới an lòng.

Cuộc sống người dân làng Đồi Cốc không mấy dư dả, nhưng có tấm lòng, họ họp bàn nhau lại để xây dựng khu nghĩa trang dành cho hài nhi, khang trang sạch sẽ. Người có của, kẻ có công, sau vài năm, hàng trăm ngôi mộ đã được xây dựng bề thế. Những mộ em bé có tên tuổi còn được gắn bia đá. Rời nghĩa trang Đồi Cốc khi mặt trời đã tắt. Những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ chìm dân vào màn sương, chúng đã có giấc ngủ yên bình bởi bàn tay chăm sóc của những người không trực tiếp sinh thành. Ở đâu đó, những người cha, người mẹ của chúng có phải trả giá bằng sự day dứt xé lòng?

(Theo Infonet)

Vụ cưỡng chế 3 cục đá: “Quan huyện” đã sai

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/73627/vu-cuong-che-3-cuc-da---quan-huyen--da-sai.html


- Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê không đúng thành phần, sai nhiệm vụ được giao nhưng vẫn lập biên bản tạm giữ cục đá của dân, sau đó đưa về UBND huyện đóng lồng sắt “nhốt” lại ?
 


Như VietNamNet đã thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập 3 biên bản “cưỡng chế” thu hồi hai cục đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng (ngày 29/3) và tịch thu một cục đá của bà Trần Thị Sắc (28/3) ở xã H’bông, huyện Chư Sê, Gia Lai. Dư luận cả nước khá bất bình về cách hành xử rất “quan liêu” của chính quyền huyện này.
Sau gần 2 tháng xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai đã liên tiếp có 3 công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra làm rõ. Cụ thể, ngày 16/5, lần thứ ba UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo số 1420/UBND-CNXD yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công thương, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND huyện Chư Sê, Chi cục quản lý thị trường…để kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc tạm giữ 3 cục đá.


Viên đá của bà Sắc bị “giam” trong lồng sắt, để trước sân của UBND huyện Chư Sê 

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 21/5, Sở TNMT đã có báo cáo kết quả xử lý vụ việc kiểm tra tạm giữ 3 cục đá. Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, căn cứ nghị định số 77/2007/ND-CP ngày 10/5/2007 và nghị định 150/2004/ND-CP ngày 29/4/2004, ông Lê Hùng Dũng đã vi phạm việc tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Bà Trần Thị Sắc đã vi phạm việc vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Đối với Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với nơi ở của ông Lê Hùng Dũng là sai với quy định tại khoản 20 điều 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Cụ thể, khi tiến hành khám nơi cất giữ 2 cục đá tại nhà ông Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê vẫn chưa ký quyết định bằng văn bản.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập biên bản tạm giữ cục đá của bà Sắc là sai với quy định tại khoản 19 điều 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008. Vì Đoàn kiểm tra không đúng thành phần, nhiệm vụ được giao tạm giữ tang vật.
Cơ quan chức năng đề nghị UBND huyện Chư Sê lập đầy đủ các thủ tục để xử lý vi phạm hành chính và tịch thu cục đá vận chuyển trái phép của bà Sắc. Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong viêc ký lùi ngày đơn xin đào hồ của bà Sắc. UBND huyện Chư Sê phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân vì để “bốc hơi” 2 cục đá của ông Dũng.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê phải được kiểm điểm trách nhiệm kiểm tra, tạm giữ 3 cục đá không đúng quy định.
Được biết, Sau khi sở TNMT tỉnh lấy mẫu cục đá của bà Sắc đang còn “nhốt” tại UBND huyện Chư Sê đi kiểm định tại Liên đoàn địa chất bản đồ miền Nam. Kết quả kiểm định cho thấy, đây là loại đá bán quý thuộc dòng đá casidol.
Riêng việc xử lý cục đá của bà Sắc đang còn “nhốt” trong lồng sắt vẫn phải đợi chỉ đạo cuối cùng của UBND tỉnh Gia Lai.
Tiến Thành


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Công khai xử lý để “dẹp” sách nhiễu

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120514/cong-khai-xu-ly-de-dep-sach-nhieu.aspx


Một trong những giải pháp để chấn chỉnh trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo chuyển biến trong cải cách hành chính (CCHC) thời gian tới là phải làm tốt quy định tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về thái độ thực thi công vụ và công khai việc xử lý, giải quyết các kiến nghị đó cho dân biết.

Công khai xử lý để “dẹp” sách nhiễu
Ảnh: N.Minh
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) Ngô Hải Phan (ảnh) nhấn mạnh quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên sau loạt bài Những "cửa quan" hành dân.  
Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng đã được phản ánh trong loạt bài của Báo Thanh Niên?
Trước hết có thể khẳng định chúng ta đang có bước chuyển rất tích cực về CCHC, đặc biệt là cải cách về TTHC để hướng tới phục vụ người dân tốt hơn. Về những tồn tại mà Báo Thanh Niên nêu đúng là có trên thực tế. Chính vì vậy mà Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ xây dựng tài liệu hướng dẫn để các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, phường phải công khai, minh bạch các TTHC tại nơi giải quyết để dân tiếp cận, dân biết, dân thực hiện và giám sát thực hiện.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, các địa phương hằng quý phải báo cáo tình hình kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương... Làm tốt việc này thì những vấn đề Báo Thanh Niên đã nêu sẽ được hạn chế và giải quyết theo hướng tổng thể, có hệ thống.

Ngoài quy định phải có sự giám sát chặt chẽ việc thực thi quy định đó. Cùng với đó là khâu giám sát thực hiện và phải gắn chế tài, trách nhiệm cụ thể... Theo ông thì công việc này chúng ta đã làm tốt hay chưa?
Tôi nghĩ cái gốc vấn đề cần giải quyết là cải thiện việc công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiêp tiếp cận, tuân thủ và giám sát việc thực hiện TTHC ở các cấp chính quyền. Khi đã rõ ràng mọi quy định giải quyết thủ tục thì người dân mới đối chiếu được cán bộ giải quyết cái này đúng hay sai mới phản ánh kiến nghị được, chứ nếu không công khai minh bạch thì không biết cái nào đúng sai để phản ánh.
Bộ Nội vụ đang triển khai thí điểm Bộ chỉ số đánh giá về CCHC. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phần nội dung đánh giá về kiểm soát TTHC sẽ được bổ sung.
Trong việc xây dựng các tiêu chí này, sẽ có các quy định cụ thể để đo mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung cấp chất lượng dịch vụ công, về việc thực thi các quy định TTHC để qua những đánh giá, nhận xét này, cán bộ công chức làm tốt sẽ được khen thưởng, làm không tốt thì ảnh hưởng đến thi đua của cơ quan, cá nhân, làm sai thì bị kỷ luật.

Bảo Cầm (thực hiện

Xử lý cán bộ, công chức “hành” dân
Ông Mai Thiện Thành, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND TP.Hà Nội, cho biết: TP đã có văn bản yêu cầu các quận, phường có cán bộ, công chức liên quan đến phản ánh của người dân trong loạt bài Những "cửa quan" hành dân đăng trên Báo Thanh Niên phải kiểm tra, báo cáo lại sự việc mà báo đã nêu.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Kiểm soát TTHC của Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Phòng Kiểm soát TTHC Hà Nội làm rõ, báo cáo Cục. 
* UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND Q.3, 11, 12, Tân Phú đề nghị xử lý thông tin Báo Thanh Niên phản ánh qua bài: "Điệp khúc" lãnh đạo bận họp.
Theo đó, UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND các quận nêu trên đánh giá mức độ, có biện pháp khắc phục và xử lý những cán bộ công chức vi phạm (nếu có); báo cáo kết quả xử lý cho Văn phòng UBND TP trước ngày 18.5, để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM.
Bảo Cầm - Hà An - Lê Nga

>> Những “cửa quan” hành dân: Khổ vì sao y, chứng thực
>> Những “cửa quan” hành dân: Điệp khúc "lãnh đạo bận họp”
>> Những “cửa quan” hành dân: Chờ đợi và về không
>> Những “cửa quan” hành dân: Cán bộ làm sai dân phải chịu!


hành dân: Chờ đợi và về không

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120508/nhung-cua-quan-hanh-dan-cho-doi-va-ve-khong.aspx

Đăng ký họ tên, chờ đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng chỉ mong được gặp đại biểu dân cử vài phút để đưa đơn khiếu nại mà chưa chắc đã được gặp, cũng không biết bao giờ thì đến lượt mình…

Đó là tình cảnh chung của rất nhiều người dân khi đến trụ sở tiếp dân của Hà Nội ở 34 Lý Thái Tổ mà chúng tôi chứng kiến sáng 6.4. Có mặt trước 8 giờ sáng, chúng tôi đã thấy gần 20 người chực sẵn. Nhiều người nói họ đã ra khỏi nhà từ 5 giờ, với hy vọng được gặp đại biểu Quốc hội luôn trong ngày. Đến 8 giờ, khi cửa phòng tiếp dân mở ra thì cũng là lúc nhiều người tắt hy vọng, do danh sách đăng ký quá dài.

“Bao giờ mới đến lượt chúng tôi”
Bà Yến, ngụ Q.Cầu Giấy, cho biết bà đi khiếu nại về việc bị lấn chiếm 23 m2 đất đã 17 năm nay mà chưa có kết quả. Theo kinh nghiệm của bà thì “chắc hôm nay chỉ tiếp danh sách đã đăng ký ngày 23.3, vì số người chờ đợi còn nhiều lắm. Có đăng ký tên ngày hôm nay cũng không thể đến lượt mình”. “Vừa nãy tôi nhờ một cán bộ công an cho xem danh sách, xem có tên mình trong đó không, nhưng anh kia nhất định từ chối. Tôi chỉ muốn xem hôm nay có tên mình không, nếu không thì tôi về. Chúng tôi là dân lao động, còn phải làm việc nọ việc kia để kiếm tiền, không thể cứ chầu chực cả buổi xong lại không đến lượt”, bà cụ đã hơn 60 tuổi này than thở.

 Chờ gặp đại biểu dân cử ở Phòng Tiếp dân Hà Nội
Chờ gặp đại biểu dân cử ở Phòng Tiếp dân Hà Nội - Ảnh: Thanh Mai

Còn ông Nguyễn Văn Thọ (trú tại Văn Chương, Đống Đa) thì gần một năm nay cứ chầu chực xin gặp đại biểu Quốc hội để nhờ chuyển đơn xin giảm án cho thủ phạm giết con trai ông từ chung thân xuống 20 năm. “Dân bức xúc thì nhiều, nhưng mỗi buổi sáng đại biểu chỉ tiếp được trên dưới 10 công dân là quá ít. Đấy cô xem, giờ này đã 9 giờ kém nhưng vẫn chưa thấy đại biểu tiếp dân, trong khi theo lịch thì 11 giờ đã hết giờ tiếp”. Vừa nói, ông Thọ vừa chỉ lên đồng hồ treo ở cuối phòng, không giấu được sự ngao ngán.

 

Dân bức xúc thì nhiều, nhưng mỗi buổi sáng đại biểu chỉ tiếp được trên dưới 10 công dân là quá ít

Ông Nguyễn Văn Thọ - Q.Đống Đa, Hà Nội

Khi thấy đại biểu Quốc hội xuất hiện, tất cả dồn hết sang cửa phòng tiếp dân để chờ cán bộ ra xướng tên. “Hôm nay đọc tiếp cử tri đăng ký theo danh sách ngày 23 hay thế nào hả cháu”, “Danh sách ngày 23.3 có những hai trang cơ mà cháu, cô còn photo lại đây”… Không trả lời hàng loạt câu hỏi được người dân nóng lòng dồn dập đặt ra, vị cán bộ nọ đọc xong tên người đầu tiên vào tiếp xúc rồi đóng chặt cửa phòng. Những người còn lại thất vọng tản về chỗ ngồi, tiếp tục đợi.
Chờ hơn 30 phút vẫn chưa thấy “công dân may mắn” ấy trở ra, trong khi đồng hồ đã chỉ 10 giờ 10, đám đông không thể ngồi yên nữa. Có ai đó đấm mạnh vào cửa, đòi người ở trong chấm dứt lượt tiếp vì sắp hết giờ buổi sáng. Nước mắt giàn giụa, người vừa được tiếp vội mở cửa ra ngoài, giọng đầy phẫn nộ: “Các chị có biết tôi đã phải chờ đợi như các chị hai mươi mấy năm nay không, giờ tôi mới được trình bày cặn kẽ một tí...”.
“Ai chả phải chờ như chị, ai chả sốt ruột, chúng tôi cũng bỏ hết công hết việc đến đây. Sáng đến giờ mới tiếp được có 2 - 3 người thì bao giờ mới đến lượt chúng tôi”, nhiều tiếng nói chen nhau cất lên.

Chờ đợi nhiều, tiếp nhỏ giọt
Nội quy ở phòng tiếp dân ghi rõ hướng dẫn công dân đến đăng ký vào sổ để chờ đến lượt gọi, nhưng sổ chẳng thấy đâu, chỉ thấy tờ giấy nhàu nhĩ vì qua tay quá nhiều người.
Bảng tin ở phòng tiếp dân cũng trống trơn không một thông tin, trong khi điều đơn giản có thể giúp người dân đỡ phải thắc mắc, phấp phỏng, chờ đợi rồi về không là thông báo rõ tên đại biểu sẽ tiếp dân hay thông tin dự kiến về lượt người được tiếp trong sáng hôm đó sẽ dừng ở số thứ tự đăng ký nào.
Theo ông Vũ Tiến Hưng, chuyên viên chính giúp việc cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong công tác tiếp dân tại 34 Lý Thái Tổ, hằng tuần đại biểu HĐND sẽ tiếp dân vào sáng thứ năm ở hai địa điểm, một ở 34 Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm) và một ở 20 Hoàng Diệu (Q.Hà Đông). Lịch tiếp công dân của đại biểu Quốc hội thì vào thứ sáu hằng tuần, cũng ở 2 địa điểm trên với thời gian tiếp từ 8 giờ 30 đến 11 giờ. Mỗi buổi trung bình tiếp được 20 lượt công dân.
Tuy nhiên buổi tiếp dân sáng 6.4 chúng tôi ghi nhận chưa tới 10 công dân được tiếp. Rõ ràng với sự chờ đợi của số đông người dân, thời gian tiếp nhỏ giọt như vậy đã kéo dài thêm sự mỏi mòn của họ, kèm theo rất nhiều phiền toái mà chuyện tranh cãi tay ba, tay bốn tại phòng tiếp dân vì người được tiếp lâu hay nhanh là một ví dụ.

Thanh Mai - Lê Quân



hành dân: Điệp khúc "lãnh đạo bận họp”

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120509/nhung-cua-quan-hanh-dan-diep-khuc-lanh-dao-ban-hop.aspx


Giờ làm việc hành chính của cấp phường trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ đến 17 giờ. Song trên thực tế, nhiều công chức phường “cắt xén” giờ làm với lý do “lãnh đạo bận đi họp”.

Phường vắng cán bộ
Sáng 19.4, PV Thanh Niên đến trụ sở UBND P.15 (Q.11). Mới hơn 10 giờ 30 nhưng tại phòng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính chỉ còn lại một người ngồi trực. Hầu hết người dân đến yêu cầu giải quyết hồ sơ tại thời điểm đó đều phải chờ đợi khá lâu vì không đủ người hoặc phải ra về.
Khi chúng tôi đề nghị sao y CMND, cán bộ văn phòng (không đeo bảng tên) nói: “Hồ sơ anh cứ để đây, chứng thực chiều mới lấy được”. Chúng tôi năn nỉ: “Anh tạo điều kiện chứng giúp vì em có việc gấp”. Vị này thẳng thừng: “Lãnh đạo bận đi họp rồi”. Chúng tôi thắc mắc: “Lãnh đạo đâu chỉ có một người mà sao không có vị nào trực để giải quyết việc cho người dân?”. Người này máy móc trả lời: “Lãnh đạo trực vừa mới đi công tác!”.

Những “cửa quan” hành dân: Điệp khúc "lãnh đạo bận họp”
Một thanh tra xây dựng ngủ tại trụ sở UBND P.10, Q.3 (TP.HCM) trong giờ làm việc - Ảnh: Đình Phú

Khi chúng tôi quay trở ra cổng tình cờ gặp ông Đẩu cũng vừa từ trụ sở UBND P.15 đi ra với tâm trạng khá bực bội. Ông Đẩu cho biết đang làm ở một xí nghiệp in tại Q.1. Ông xin cơ quan cho nghỉ sớm 1 giờ đồng hồ để chạy xe máy từ chỗ làm việc về UBND P.15 lấy giấy bảo hiểm y tế cho vợ đã đăng ký làm trước đó mấy tháng. Khi vào trụ sở UBND phường, cán bộ văn phòng duy nhất có mặt ở đây chỉ ông lên phòng 8, tầng 2 để nhận. Lên đến nơi thì thấy không có ai trong phòng làm việc. Tìm hỏi, người ngồi phòng bên cạnh bảo chiều lên lấy, giờ không có người phát.

Đến giờ làm vẫn… ngủ!

 

Tập trung chuyển biến khâu cán bộ
Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP.HCM tổ chức mới đây đã thẳng thắn mổ xẻ những tồn tại, bức xúc trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Có ý kiến cho rằng, ý thức phục vụ dân chưa tốt của một bộ phận cán bộ, công chức có nguyên nhân từ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức còn nhiều thiếu sót. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho biết, thời gian tới, TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thái độ, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức; tập trung tạo chuyển biến từ khâu cán bộ. TP cũng mở rộng phạm vi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính đối với cán bộ cấp lãnh đạo, không chỉ dừng lại mức đánh giá đối với cán bộ tiếp nhận hồ sơ như hiện nay.

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đi đến nhiều UBND phường, đầu mối trực tiếp giải quyết nhiều công việc liên quan đến dân nhất. Thống kê lại thì xem ra chuyện bớt xén giờ công đã trở thành căn bệnh khá phổ biến.
Gần 16 giờ ngày 29.3, chị Trần Thị Hường đến UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú chứng bộ hồ sơ xin việc làm. Lần đầu đến đây, chị lóng ngóng nhìn quanh rồi để bộ hồ sơ vào chiếc rổ đã có sẵn vài hồ sơ nằm trong đó. 16 giờ 15, cô nhân viên tên Lê Thị Kim Mai phụ trách tiếp dân của ô có chiếc rổ này trước đó không rõ đi đâu giờ xuất hiện lại, gọi tên Hường. Không có ai trả lời, cô lại đặt xuống rổ rồi cầm hai bộ hồ sơ còn lại đi vào trong. 16 giờ 25, cô nhân viên này quay lại, tiếp tục gọi tên Hường. Lần này, chị Hường chạy đến, cô Mai mặt lạnh như tiền phán: “Chứng ở bàn kia, ngày mai lên chứng, bây giờ làm không kịp”. Nhiều người dân chứng kiến lắc đầu ngao ngán. Thay vì chỉ cần chuyển bộ hồ sơ để nhầm rổ sang bộ phận chứng thực chỉ cách đấy 1 m, và chỉ mất ít phút chứng thực nhưng cán bộ lại vô cảm đến thế.
Tương tự, chúng tôi đến UBND P.6 (Q.3) vào lúc chỉ mới hơn 16 giờ nhưng khu vực văn phòng đặt gần 10 ghế ngồi cho cán bộ, công chức phường làm việc cũng chỉ còn lại 1 người, trong khi người dân ngồi đợi khá đông. Hỏi đang trong giờ hành chính nhưng vì sao những cán bộ khác không ở vị trí làm việc, thì người này im lặng. Chúng tôi đặt vấn đề chứng giấy tờ, người này lại bình thản nói: “Hôm nay lãnh đạo bận đi họp rồi. Mai mới chứng được”.
Người dân có quyền đăng ký gặp lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng, phản ánh những bức xúc. Tuy nhiên không phải nơi nào quyền lợi chính đáng đó của họ cũng được đáp ứng đầy đủ. Trường hợp ông Tùng ở P.Thạnh Xuân (Q.12) là một điển hình. Một số khu vực thuộc địa bàn P.Thạnh Xuân không có hệ thống nước máy, người dân phải sử dụng nước giếng ô nhiễm. Việc một số hộ dân trên địa bàn phường chôn cất người ngay trong khu dân cư đã dấy lên một nỗi lo về nguồn nước bị ô nhiễm nhiều hơn. Ông Tùng đã lên phường phản ánh tình trạng này và kiến nghị cần có giải pháp khắc phục, thì được cán bộ phường bảo đi lên quận. “Tôi đề nghị được trực tiếp gặp chủ tịch phường để phản ánh thì họ không cho, bảo là lãnh đạo đi họp rồi, không giải quyết”, ông Tùng kể.
Mới đây, PV Thanh Niên có mặt tại trụ sở UBND P.10 (Q.3) lúc đã quá hơn 15 phút so với giờ bắt đầu làm việc buổi chiều theo quy định. Tuy nhiên, khu vực giải quyết hồ sơ hành chính thưa thớt cán bộ. Ngay bên cạnh, một người trong trang phục thanh tra xây dựng vẫn còn nằm ngủ say trên giường xếp...

Đình Phú - Lê Nga



hành dân : Bổ túc hồ sơ và... cứ chờ !

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120511/bo-tuc-ho-so-va-cu-cho.aspx

Trong khi các cơ quan chức năng luôn báo cáo những con số khá đẹp về kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thì thực tế nhiều người dân vẫn bị hành tới bến... 

 Những “cửa quan” hành dân
Minh họa: DAD

Cán bộ làm sai, bắt dân cam kết !
Tính đến hôm qua 10.5 là đã gần tròn 10 tháng cụ Lê Văn Hai (84 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) phải chịu nhiều ấm ức vì bị “hành” khi đi làm hồ sơ chuyển nhượng đất.
Theo đơn cụ Hai gửi đến Báo Thanh Niên và cơ quan chức năng, giữa tháng 8.2011, cụ có ký hợp đồng đo đạc thửa đất do cụ sở hữu ở xã Tân Thạnh Đông (H.Củ Chi) với Trung tâm đo đạc bản đồ TP.HCM - chi nhánh H.Củ Chi. Gần 2 tháng sau, cụ mới nhận được kết quả đo đạc dù hợp đồng ký kết quy định thời gian chỉ trong vòng 30 ngày. Khi cụ làm hồ sơ chuyển nhượng phần đất trên cho người cháu, Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) H.Củ Chi bảo là bản đồ đo đạc bị sai, phải chỉnh sửa lại. Cụ Hai lại tất tả ôm hồ sơ đi chỉnh sửa và phải mất hơn 3 tuần sau với nhiều lần yêu cầu, việc chỉnh sửa bản đồ đo đạc mới xong.
Bà Lê Kim Bông (60 tuổi, con gái cụ Hai) than thở: “2 lần họ đo đạc, lần đầu thì đo bị thiếu diện tích đất của bố tôi, lần thứ hai thì lại bị dư. Tôi không hiểu họ làm kiểu gì mà tắc trách như vậy. Do sức khỏe rất yếu, bố tôi ủy quyền cho người thân thay mặt đi làm thì người ta không chịu nên tôi buộc phải cố sức chở từ Q.3 lên xuống Củ Chi để làm thủ tục suốt mấy tháng trời. Quãng đường xa, đi lại quá nhiều lần nên có lúc về đến nhà, bố tôi kiệt sức, thở không ra hơi. Hồ sơ hiện đang mắc kẹt tại Phòng TN-MT H.Củ Chi. Khi gia đình tôi lên hỏi nhận kết quả hồ sơ, cán bộ phòng này bảo viết cam kết. Tôi hỏi: “Chúng tôi không có gì sai, vì sao phải cam kết?”, thì họ làm lơ luôn”.
“Phòng TN-MT và chi nhánh đo đạc bản đồ H.Củ Chi nằm đối diện, chỉ cách nhau có vài mét. Tôi không hiểu sao mà việc họ làm sai, họ không liên hệ tự sửa mà cứ hành chúng tôi mãi”, bà Bông bức xúc.

Phường "đá" lên, quận "đẩy" xuống
Cũng bị “hành” tới bến, bà Hoàng Thị Trí (68 tuổi, ngụ P.An Lạc A, Q.Bình Tân) đang thắc thỏm lo âu không biết chừng nào mới được cấp đổi sổ hồng. Ngày 30.12.2010, bà Trí được mẹ tặng cho căn nhà số 23/11 đường Khiếu Năng Tĩnh, P.An Lạc A. Căn nhà đã có chủ quyền từ năm 1993, nay chỉ làm thủ tục cấp đổi, sang tên nhưng hơn 1 năm nay hồ sơ của bà vẫn chưa làm được vì phường “đá” lên quận, quận lại "đẩy" xuống phường.
Nguyên nhân là phường và quận cứ nại ra là có khiếu nại. Trong khi đó khiếu nại này có liên quan đến căn nhà của bà Trí hay không thì không ai xác minh, kết luận, không có thời hạn trả lời, giải quyết dứt điểm.
Tương tự, chị P.T.H.V (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) gom góp mua căn nhà trên đường Dương Bá Trạc, P.1 (Q.8). Do nhà chỉ mới có giấy tờ kê khai nên sau khi mua, chị tiến hành làm thủ tục xin cấp sổ hồng. Đầu tiên, chị lên quận xin giấy xác nhận tình trạng nhà ở. Cán bộ thụ lý hẹn 1 tháng. Đúng hẹn, cán bộ bảo “chưa có” mà không hề hẹn lại ngày trả kết quả. “Quá sốt ruột, ngày nào tôi cũng phải ghé ngang hỏi. Suốt 10 ngày như vậy tôi mới nhận được tờ giấy xác nhận”, chị V. nói và kể thêm: “Khi nộp hồ sơ cấp sổ hồng, cán bộ cũng xem tới xem lui đủ giấy tờ mới nhận và hẹn 3 tháng sau lên lấy kết quả. Ngày 2.3.2012, tôi lên thì được yêu cầu bổ túc hồ sơ và từ đó đến nay tôi lại phải tiếp tục hành trình đi canh, đi chờ và vẫn cứ nghe mãi điệp khúc “cứ chờ, chưa có”...


Hồ sơ trễ hẹn, chủ tịch quận xin lỗi dân
Trong khi nhiều nơi có những “cửa quan” hành dân, thì tại UBND Q.1 (TP.HCM), việc cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đã bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tại UBND Q.1 đạt gần 100%. Một số hồ sơ (chủ yếu về nhà đất có phức tạp về mặt thủ tục) chậm trễ tiến độ thì đích thân Chủ tịch UBND Q.1 Trần Vĩnh Tuyến gửi thư xin lỗi người dân, trình bày lý do trễ hẹn và nêu thời gian giải quyết cụ thể. Từ đầu năm 2012 đến nay, Chủ tịch UBND Q.1 đã gửi 16 thư xin lỗi và những hồ sơ trễ hẹn đều đã được giải quyết dứt điểm.

Ý kiến
Làm 1 tiếng hẹn dân 1 tháng
Đọc bài báo hay thiệt! Mong mấy "ông" cấp trên đọc bài báo này giùm, đọc luôn phần phản hồi của độc giả trên online để hiểu tâm tư người dân. Chính bản thân tôi vừa mới bị hành xong! Trong sổ đỏ ghi sai khu phố 2 thành khu phố 3... tôi phải làm đơn "xin" đính chính, xong hẹn tới hẹn lui đúng 1 tháng mà cũng chưa xong, chịu hết nổi tôi phải lớn tiếng và sắp gây sự với họ thì cô nhân viên nói "chị vui lòng ngồi chờ chút, vì hồ sơ chị chưa làm gì hết, để em đi làm!". Tôi ngồi chờ đúng 1 tiếng đồng hồ, cô ấy mang sổ đỏ ra trả... Trời ơi, làm trong 1 tiếng hẹn dân 1 tháng !!!
Mỹ Ngọc (Biên Hòa) 
Cán bộ sai bắt dân đóng phí đính chính
Tôi tách hộ theo yêu cầu của chủ hộ, cán bộ ghi sai ngày, tháng sinh và nơi sinh của tôi. Sau khi phát hiện ra lỗi này là đã mang về nhà sau 1 tháng, tôi đến xin đính chính lại thì cán bộ nói tôi phải đóng phí đính chính ấy!... Cán bộ làm sai lại bắt dân đóng phí sửa sai cho cán bộ. Chuyện cải cách hành chính hình như có lỗ hổng thì phải.
Đỗ Vũ Trung (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM
Không phải ở đâu cũng thế
Hôm trước mình có làm giấy tờ nhà đất ở "một cửa" tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Mình cảm thấy cán bộ ở đây rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn giải thích người dân trong việc làm các thủ tục, ghi phiếu rõ ràng là mấy ngày lấy, đến là có ngay (nghe nói áp dụng tiêu chuẩn ISO, nếu trễ cán bộ đó sẽ bị phạt hay xử lý gì đó). Mình nghĩ nên có giải thưởng để tuyên dương các cá nhân này. Khuyến khích người dân cho ý kiến về cán bộ phục vụ mình, ví dụ như: Khi tôi được cán bộ nào phục vụ, sau khi xong sẽ có bảng đánh giá vào đó gửi vào thùng thư... Cuối tháng sẽ có người tổng hợp trình sếp ở đó. Nếu anh được khen nhiều thì sẽ thưởng bằng cách tăng khoản trợ cấp (bao nhiêu thì tùy cơ quan). Điều này sẽ giúp cho cán bộ luôn phấn đấu trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để phục vụ được tốt hơn...

Lê Nga - Đình Phú


hành dân: Khổ vì sao y, chứng thực

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120511/nhung-cua-quan-hanh-dan-kho-vi-sao-y-chung-thuc.aspx


Chính phủ đã có Chỉ thị về việc giảm tải sao y, nhưng nhiều cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu phải nộp bản có chứng thực khiến người dân gặp nhiều phiền phức.

Chỉ cần quan sát một lúc ở UBND phường là thấy rõ từ CMND, hộ khẩu, quyết định cấp số nhà, đổi số nhà, văn bằng các loại, bảng điểm… và đủ thứ giấy tờ khác được người dân đem đến sao y nhằm bổ túc hồ sơ xin điện, nước, việc làm, đăng ký kết hôn, mua bán nhà, xe, thủ tục nhà đất.


"Luật quy định thế!"
Ông Thuấn là nhân viên của một văn phòng luật sư ở Q.1 (TP.HCM) chuyên nhận làm dịch vụ giấy tờ hành chính. Nói về chuyện cái gì người ta cũng yêu cầu sao y, chứng thực, ông Thuấn than: “Yêu cầu như vậy khiến chúng tôi mỗi lần đi làm bất kỳ hồ sơ gì cho khách hàng rất là cực, mất nhiều thời gian". 
Sáng 17.4, ông Thuấn cầm tập báo cáo kiểm toán của một khách hàng đi chứng thực. “Khoảng 8 giờ, tôi đến UBND P.Bến Nghé (Q.1) thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ bảo sáng nay không chứng giấy tờ vì lãnh đạo bận họp. Tôi buộc phải chạy sang UBND P.5 rồi đến P.6, P.7 (Q.3) cũng không thể công chứng được với lý do tương tự. Vì yêu cầu của khách hàng không thể chậm trễ, tôi tiếp tục phải chạy sang phường khác. Khi đến UBND P.10 (Q.3) thì mới chứng được”, ông Thuấn bức xúc. Ông cho biết thêm, ít nơi người ta chịu đối chiếu bản chính với bản sao lắm mà toàn yêu cầu phải chứng thực, sao y có đóng dấu đỏ của cơ quan công quyền.
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo chân chị N. (ngụ Q.Tân Phú) đến UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú xin cấp lại bản sao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (xác nhận độc thân). Mặc dù đã có giấy báo mất được công an phường nơi xảy ra vụ cướp xác nhận chị bị giật túi xách, mất giấy tờ nhưng cán bộ hộ tịch vẫn yêu cầu chị N. phải làm bản cam kết và xác nhận chữ ký. Chiều 29.3, chị N. đem văn bản đã soạn sẵn đến chứng thực chữ ký, cô nhân viên phụ trách đọc đơn xong yêu cầu làm lại vì thiếu hai chữ “lý do”. Chị N. làm lại 2 bản. Sau khi chứng thực chữ ký xong, nộp phí 10.000 đồng, cô nhân viên lưu giữ lại 1 bản và bảo chị N. hôm sau quay lại làm tiếp vì nhân viên hộ tịch đi học nghiệp vụ.

 

Sao y chứng thực đang tiêu tốn công sức, thời gian, tài sản xã hội quá nhiều

Ông Phan Văn Minh, Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM)

Sáng 30.3, chị N. quay lại, cô Võ Thị Hương Giang (cán bộ hộ tịch) xem đơn và tiếp tục dùng viết đỏ sửa lại một lượt nội dung trong đơn rồi yêu cầu chứng thực chữ ký lại. Chúng tôi thắc mắc: Đương sự đã ký tên trước mặt cán bộ hộ tịch rồi sao còn bắt phải chứng thực chữ ký, cô Giang đáp gọn: “Luật quy định thế”. Chị N. lại phải ra thuê cửa hàng vi tính gần đó sửa đơn. Đơn sửa xong quay lại thì cán bộ chứng thực thông báo “lãnh đạo đi lên quận họp rồi, 9 giờ mới về”.
Thất vọng và buồn bực, chị N. chạy sang P.15, Q.Tân Bình để bắt đầu lại công đoạn nộp, chờ chứng thực chữ ký, đóng phí lại và một bản sao nữa lại được giữ lại đây. Chị N. lắc đầu ngao ngán: “Nếu đơn phải đúng từng chữ, đầy đủ câu theo quy định sao không bán luôn mẫu đơn cho dân hoặc dán đơn mẫu để dân đỡ khổ?”.

Quá tải và lãng phí
Mới 4 tháng đầu năm mà UBND P.1 (Q.8) cho biết đã sao y chứng thực hơn 8.000 bản giấy tờ các loại. Ông Nguyễn Dũng Hùng, Chủ tịch UBND P.1, than: “Công việc sao y, chứng thực hiện quá tải về con người và cả kho lưu trữ. Theo quy định, cái nào sao y chứng thực cũng phải lưu trữ lại 1 bản trong 2 năm. Trong khi đó, sao y bản chính có giá trị 3 tháng, chứng thực chữ ký giá trị 6 tháng nên khối lượng công việc này lúc nào cũng quá tải”.
Từ đầu năm đến nay, UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) đã giải quyết đến 25.000 bản giấy tờ sao y chứng thực các loại.  Ông Phan Văn Minh, Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, quả quyết: “Phường này như vậy cũng chưa phải là nhiều đâu”. Ông Minh cho biết thêm: “Có người đi chứng thực ôm hồ sơ đến mà phát ngợp. Một báo cáo quyết toán chứng cả trăm bản. Hay hồ sơ đấu thầu cũng sao y hết bao này đến bao kia nên phường tốn thời gian cho công việc này quá nhiều. Riêng lãnh đạo phân công trực ký tên trên các văn bản sao y chứng thực thì ngày hôm đó không làm được việc gì khác”.
Cũng theo ông Minh, để giải quyết hết khối lượng ông việc này, cả cán bộ địa chính, hộ tịch, thương binh xã hội… đều được huy động hỗ trợ cho bộ phận sao y chứng thực. “Sao y chứng thực đang tiêu tốn công sức, thời gian, tài sản xã hội quá nhiều”, ông Minh nói.


Chỉ cần đối chiếu bản chính
Ngày 5.3.2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/2001 (về triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực), nêu rõ: “Riêng về việc sao y giấy tờ, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) tiến hành rà soát để hủy bỏ các quy định bắt buộc người dân phải nộp bản sao giấy tờ do phòng công chứng chứng nhận trong hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm, tuyển lao động, giải quyết chính sách...; Bộ GD-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước về việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác từ sổ gốc, không dồn công việc cho cơ quan công chứng, chứng thực. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ xét thấy cần bản chính để đối chiếu thì phải tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính".
Theo điều 6, Nghị định 79/2007 của Chính phủ (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký), thì “cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”.

Lê Nga - Đình Phú


Xăng A83 bị phù phép ?

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120518/xang-a83-bi-phu-phep-18-5-2012.aspx


Ba nguyên nhân gây cháy xe đã được Sở KH-CN TP.HCM công bố vào chiều hôm qua, trong đó nổi lên nghi vấn xăng A83 bị phù phép thành A92.

Xăng A83 bị phù phép ?
Cháy xe Atilla ngày 23.3.2012 trên phố Trần Nhân Tông, Q.Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội - Ảnh: Hà An
Cuộc họp công bố nguyên nhân gây cháy xe có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Công an TP, Sở Cảnh sát PCCC, các sở, ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nhiên liệu và động cơ đốt trong cùng đông đảo phóng viên báo chí.
TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu cho biết, hai vấn đề được nhóm nghiên cứu lựa chọn để tập trung nghiên cứu là ảnh hưởng của nhiên liệu xăng và ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật đến sự hình thành nguy cơ cháy xe. Để xây dựng các nội dung nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận với các vụ cháy xe tại TP.HCM và phân tích tình hình nhiên liệu xăng tại VN vào thời điểm năm 2010 - 2011.

Cháy xe do xăng bị pha


 

Qua khảo sát từ thực tế, xăng kém chất lượng như A83 không còn phù hợp với các loại xe hiện nay.
Những kẻ gian lận đã dùng methanol hoặc ethanol pha vào loại xăng này để biến thành xăng A92 hoặc A95 để tăng lợi nhuận

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tăng chỉ số RON của các loại cồn như methanol, ethanol là rất cao trong khi giá thành của methanol rất thấp so với các loại phụ gia tăng RON khác. Do vậy, để tăng chỉ số RON cho nhiên liệu xăng, thì việc pha thêm methanol hoặc ethanol với hàm lượng cao vào nhiên liệu là hoàn toàn có thể thực hiện trong điều kiện thực tế. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 để pha methanol hoặc ethanol kém chất lượng vào xăng để thu lợi nhuận là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, nói rõ sử dụng xăng kém chất lượng nguy cơ cháy xe rất cao. Qua khảo sát từ thực tế, xăng kém chất lượng như A83 không còn phù hợp với các loại xe hiện nay. Những kẻ gian lận đã dùng methanol hoặc ethanol pha vào loại xăng này để biến thành xăng A92 hoặc A95 để tăng lợi nhuận. Bởi vì 1 lít methanol trên thị trường hiện nay giá chỉ có 10.000 đồng, trong khi xăng A92 khoảng 22.000 đồng, lợi nhuận khổng lồ.  Nghi vấn này, theo ông Tân là có cơ sở, vì qua kiểm tra chất lượng xăng dầu trong năm 2011, Sở KH-CN đã phát hiện 35/154 mẫu xăng có methanol. Việc "phù phép" này là rất khó kiểm soát, vì tiêu chuẩn xăng của VN hiện nay không có chỉ tiêu về hàm lượng methanol, ethanol.
Còn theo TS Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ nghiên cứu - giảng viên bộ môn Ô tô máy động lực, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, kết quả nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật trên phương tiện xe máy cho thấy, trong trường hợp sử dụng xăng có chỉ số RON không đúng yêu cầu (thấp hơn yêu cầu của động cơ) hoặc sử dụng xăng có pha hàm lượng methanol, ethanol kém chất lượng (như ethanol 95%V), nhiệt độ cục bộ tại các khu vực như nhớt bôi trơn, nước làm mát, thùng chứa mũ bảo hiểm, khu vực đuôi xe, bộ điện thân xe, khu vực mô bin sườn, khoang động cơ, khu vực bộ sạc và trong thùng nhiên liệu đều tăng từ 10 - 20 độ C so với sử dụng nhiên liệu đúng theo yêu cầu.
Đặc biệt, trong một số trường hợp nhiệt độ ống xả khí thải cao hơn 450 độ C, nhiệt độ dây điện hay khu vực bộ sạc có thể lên trên 70 độ C, nhiệt độ thùng chứa mũ bảo hiểm lên đến 60 - 70 độ C. Các yếu tố này có thể đưa đến nguyên nhân cháy nổ, nếu hội tụ đủ các yếu tố như có các chất dễ cháy hoặc chập mạch điện ở khu vực này.

Kiến nghị bỏ xăng A83, quản lý chặt methanol

 

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS động cơ ô tô Nguyễn Lê Ninh (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, vụ kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, với chất lỏng mà họ cho vào trong xăng, có thể đó là methanol chứ không có chất nào khác.

Sở KH-CN TP.HCM đã kiến nghị ngừng lưu hành xăng A83 trên thị trường để không còn cơ hội cho những kẻ muốn làm ăn gian dối; đồng thời nên quy định hàm lượng methanol và ethanol trong xăng. Ngoài ra, theo ông Phan Minh Tân, cũng cần siết chặt nhập khẩu methanol, xem đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và cần kiểm tra, quản lý đường đi của mặt hàng này khi được nhập vào VN.
Để không xảy ra tình trạng xăng dầu kém chất lượng lưu thông trên thị trường, theo ông Tân, trách nhiệm trước hết là của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ các đầu mối nhập khẩu cho đến các đại lý phân phối. Bên cạnh đó là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. "Chúng tôi đã yêu cầu các đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải có quy trình kiểm tra nội bộ và chúng tôi sẽ kiểm tra quy trình đó. Các doanh nghiệp đầu mối cũng phải công bố danh sách các đại lý của mình, nếu chúng tôi phát hiện một đại lý cùng lúc có hai đầu mối cung cấp xăng dầu thì sẽ cho chấm dứt hoạt động của đại lý đó. Cùng phối hợp đồng bộ như vậy mới loại trừ được cách làm ăn gian dối", ông Tân nói.
Ông Tân cũng chia sẻ, đây chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, chưa phải là nghiên cứu toàn diện. Và nhóm nghiên cứu cũng chỉ mới tìm nguyên nhân gây cháy xe gắn máy, còn với xe ô tô thì sẽ có những nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới. Sở KH-CN TP.HCM đã giao cho 2 đơn vị thực hiện việc này là Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong - Trường Đại học Bách khoa, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. 
 

Nhóm nghiên cứu đã xác định nguyên nhân thứ hai đó là do sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu sẽ gây nguồn lửa, đồng thời kết hợp sự có mặt của chất dễ cháy như các chi tiết bằng vật liệu nhựa trên phương tiện.
Nguyên nhân thứ ba là do các yếu tố khách quan hay chủ quan của người sử dụng, như: gây nguồn lửa, để các vật dụng dễ cháy nổ trong các vùng nóng cục bộ của phương tiện như quẹt gas, nước hoa... trong thùng chứa mũ bảo hiểm, hoặc do sự vướng víu các vật liệu dễ cháy như bao nylon, vải... vào bộ phận ống xả khói thải của động cơ.

Mai Vọng - Phương Thanh


Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

TỪ VỤ HAI NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH, NGHĨ VỀ BÁO CHÍ LỀ ĐẢNG

http://quechoablog.wordpress.com/2012/05/09/tu-vu-hai-nha-bao-bi-danh-nghi-ve-bao-chi-le-dang/


Trước khi tiến hành cưỡng chế ở Văn Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để “bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Không hiểu cái “yêu cầu” quái dị đó được phát ra với quyền lực ẩn sau như thế nào mà hầu như tất cả các báo đài đã “vâng lệnh” răm rắp, không cử phóng viên đến tại hiện trường để theo dõi và nắm bắt diễn biến thực tế. Có lẽ cũng không thấy nhà báo nào tự giác đến hiện trường để quan sát. Hầu như hôm đó, họ đều nằm nhà để chờ thông báo của chính quyền rồi dựa vào đó mà viết tin. Một bản tin vô cùng phiến diện, một chiều và chưa nói là sai sự thật sẽ ra đời và được phát đi.
Đó là cung cách làm báo thông thường của báo chí Việt Nam trước những vụ việc được cho là nhạy cảm chính trị.

Với những vụ việc nhạy cảm chính trị, thường có sự dặn dò từ trước của ban tư tưởng văn hóa trung ương phải thông tin như thế nào, liều lượng ra sao… 

Nhưng rất lạ một điều, qua thăm dò một số xếp của vài tờ báo thì được biết vụ Văn Giang không hề có sự chỉ đạo hay ngăn cấm nào từ trên, thế nhưng hầu như các báo đều đồng loạt làm theo một cách là đăng tin từ thông báo của ban cưỡng chế. Và lạ hơn nữa là ngay sau đó xuất hiện hai video clip đánh người dã man nhưng không hề thấy tờ báo nào dám đá động đến. Hoặc tất cả các nhà báo, từ cấp tổng biên tập xuống đến phóng viên, đều vô cảm trước sự bất công ghê tởm đó, họ cho rằng việc công an đánh người như đánh súc vật là chuyện bình thường nên không cần phải điều tra tìm hiểu ba nạn nhân đáng thương ấy là ai? Hoặc là họ có thói quen phản xạ có điều kiện trước những sự việc cho là nhạy cảm, họ sợ cấp trên phê bình nên không dám đá động đến dầu không có ngăn cấm.

Tất cả đều vô cảm hoặc sợ hãi trước điều bất công với đầy đủ bằng chứng xảy ra ngay trước mắt.
Chỉ có một tờ báo kiên trì đi điều tra và xác minh nạn nhân trong hai video clip đó là ai. Đó là BBC ở tận London! 

Ngày 5.5, BBC đưa tin tìm ra được hai nạn nhân  là hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long.
Đến ngày 8.5, báo Thanh Niên mới thận trọng đưa một tin vừa phải, xác minh hai nhà báo bị đánh là có thật để thăm dò.

Từ ngày 9.5, như được “xổng chuồng”, hàng loạt các tờ báo khác mới ào lên đưa tin, phỏng vấn hai đồng nghiệp bị hại. Té ra là không có ngăn cấm nào hết nhưng ai cũng sợ, một nỗi sợ vô hình nào đó do bị tròng vào đầu vòng kim cô trước quá nhiều sự việc nên với sự việc hai đồng nghiệp bị đánh dã man nầy cũng cứ tự tròng vào đầu mình một vòng kim cô cho chắc…ghế.

Trở lại sự kiện cưỡng chế ở Văn Giang, dường như chỉ có VOV là cơ quan truyền thông có chút lương tâm nghề nghiệp. Thay vì cứ cho phóng viên nằm nhà để chờ thông báo của chính quyền Hưng Yên, họ vẫn cứ cử hai phóng viên đến tận hiện trường để nắm diễn biến thực tế. Tuy bản tin VOV phát ra thì cũng như bao nhiêu báo đài khác là lấy theo thông báo của chính quyền, nhưng ít ra họ cũng có động tác theo đúng nghiệp vụ trước đó.

Hiện nay còn một nạn nhân nữa vẫn chưa được xác minh. Có lẽ nạn nhân ấy là một người dân bình thường, thấp cổ bé miệng, bị đánh đập dữ dội nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa biết số phận ra sao. Hiện nay, hầu như các báo đài đều đang tập trung vào hai nhà báo, còn số phận của người dân đen kia thì bỏ mặc.
 

NGHĨ VỀ NGÀNH CÔNG AN, TỪ VỤ HAI NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH Ở VĂN GIANG

http://quechoablog.wordpress.com/2012/05/09/nghi-ve-nganh-cong-an-tu-vu-hai-nha-bao-bi-danh-o-van-giang/



 

Việc hai nhà báo bị đáng túi bụi và các cơ quan báo chí( trong đó có cơ qua chủ quản là Đài TNVN) lên tiếng yếu xìu, thôi không bàn nữa. Tôi chỉ xin nêu một góc cạnh khác. Đó là thái độ của các công an viên ( CAV- mặc sắc phục và thường phục) trong việc đánh người. Điều làm tôi thật sự bức xúc và không hiểu nổi là: tại sao người ta có thể ra tay tàn như bạo thế, “hội đồng” đông đảo như thế với một người dân ( tạm cho là không biết PV), khi người đó không hề có biểu hiện nào sai trái, không hề tỏ ý chống cự, không hề có hung khí trong tay? Xem video thì thấy những cú đánh như thế có thể gây thương tật, chết người.

Điều băn khoăn nhất là, tôi đoan chắc các CAV ra tay hung bạo kia không phải vì quyền lợi cá nhân, cũng không vì nhiệm vụ cụ thể được giao. Cụ thể là, tôi nghĩ lính tráng như họ chẳng nhận được “phong bao phong bì” gì từ phía nhà đầu tư lấy đất. Họ cũng không được cấp trên giao cụ thể: phải đấm, đá hết cỡ bất cứ ai mà họ thấy…gai mắt! Bởi xem video, tôi thấy vụ việc như là một sự “tự phát” vậy thôi, không có ai chỉ huy, chỉ đạo gì. Đại loại như một công thức chia động từ một cách thuần thục, máy móc, quen thuộc: “tôi đấm, anh đá, nó thọc gậy…” Nó cũng như cú đạp liên tiếp của một CAV vào mặt một người biểu tình ở Hồ Gươm, khi người này đã bị giữ chặt chân tay. Tôi tin là không có cấp trên nào chỉ đạo cụ thể phải đạp như thế, và người đạp cũng “vô tư”, không dự tính  ”hưởng lợi” trực tiếp gì từ hành động trên.
 
Vậy thì tất cả do đâu?
Đây chính là điều khiến tôi băn khoăn, lo sợ nhất.
Phải chăng những hành động vô nhân tính một cách ” bột phát, hồn nhiên, vô tư” trên của một số CAV xuất phát từ khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục, rèn luyện của ngành CA? Phải chăng đã có sự xóa nhòa, đánh đồng giữa người dân vô tội và bọn tội phạm, trong ý thức, trong cách nhìn nhận của nhiều CAV? Phải chăng thói quen bạo hành, trấn áp, đánh người đã trở nên quen tay, trở thành nhu cầu, trở thành thành tích của không ít CAV- khiến họ không còn phân biệt được đâu là dân( phải tôn trọng, lễ phép), đâu là kẻ thù( phải kiên quyết, khôn khéo) như cụ Hồ đã từng căn dặn? Nên nhớ trên thế giới không ai gọi tên ngành CA là CAND như ở VN, điều đó nói lên điều gì?
 
Đuợc biết ngành CA đang chấn chỉnh lại đội ngũ, học tập theo gương Bác Hồ. Xin gửi ông Bộ trưởng Bộ CA nổi sợ hãi trên. Bởi với tình trạng trên, rồi đây bất cứ ai trong chúng ta( kể cả người thân của các CAV) cũng sẽ có lúc trở thành nạn nhân của thói vô cảm, tàn bạo trên.
.