http://vov.vn/Home/Blog-Ngo-Khi-long-tin-bi-danh-cap/20125/211038.vov
Liệu người ta có thể
bột phát độc ác khi niềm tin của họ đã bị đánh cắp và đồng thời được
trang bị một thứ giáo điều khả tín nào đó?
Mọi người cứ nói dân thành phố ghê gớm, nhìn người bằng nửa con mắt.
Không phải là tất cả nhưng đó là sự thật. Gần đây lại có nhiều chuyện
hành xử thiếu tình người. Tại sao vậy?
Thực ra phần lớn cư dân Hà Nội và nhiều thành phố khác hiện nay đều
từ các vùng quê ra. Vậy thì vì sao họ lại lột xác nhanh đến vậy để từ
những người hồn hậu, bỗng chốc trở thành (một thiểu số) ghê gớm, nhìn
người bằng nửa con mắt? Tôi cố thử lý giải và thấy nguyên nhân có nhiều.
Tuy nhiên câu chuyện dưới đây lại gợi ý một nguyên nhân bắt nguồn từ
thực tiễn.
Hàng xóm cạnh nhà tôi là dân ở một vùng quê xa Hà Nội hơn trăm cây.
Vì mưu sinh, hai vợ chồng trẻ quyết trụ lại Hà Nội. Công việc tiến triển
tốt, họ mời bố mẹ ra ở cùng gọi là chăm sóc những ngày cuối đời để trả
ơn sinh thành. Bố mẹ của họ, cũng như nhiều người dân quê ra sống cùng
con cháu ở thành phố, suốt ngày lủi thủi trong nhà.
Một hôm người thu tiền nước và vệ sinh đến yêu cầu ông bà nộp lệ phí.
Ông bà nói không biết, đợi đến tối, khi các cháu về thì mới có tiền.
Qua khe cửa hẹp, nhân viên thu ngân nói xẵng rằng nếu không đóng thì
chiều sẽ cắt nước và không ai đổ rác cho gia đình. Sợ con cái nghĩ có
hơn trăm bạc mà bố mẹ tiếc, chiều lại chẳng có nước thổi cơm, nên ông bà
đồng ý đóng tiền nhưng phải có biên lai. Chưa dứt lời, nhân viên thu
ngân xé biên lai cái roạt ném vào trong nhà.
Khổ thân hai cụ, chiều các con về phát hiện biên lai rởm, cho dù có
đủ cả con dấu và chữ ký. Thế là mất toi gần hai trăm bạc! Số tiền không
lớn, không tiếc, nhưng qua thái độ, ông bà biết chúng tức giận quân lưu
manh lừa đảo. Con ông bà chẳng nói gì nhưng bữa cơm chiều trôi qua trong
im lặng.
Sau vụ ấy, ông bà quyết đóng chặt cửa không thèm trả lời bất kỳ ai
cho dù người đó có kiên nhẫn bấm chuông. Bẵng đi vài tháng, một hôm có
vị sư vận đồ nhà chùa kiên nhẫn lần tràng hạt và lâm rầm cầu kinh trước
cửa hơn 10 phút. Thấy vị sư đứng đó không bấm chuông cũng chẳng gõ cửa
nên ông bà ló đầu ra hỏi cần gì. Vị sư cung kính gập người chào rồi nhỏ
nhẹ đáp: Tôi được cử đi bán hương cho các tín đồ phật tử để gây quỹ tu
sửa chỉnh trang lại nhà chùa. Đây là địa chỉ chùa và danh sách những
người ủng hộ bằng việc mua hương. Xin thí chủ hãy mở lòng hảo tâm.
Một hành động phúc đức thế sao lại không làm? Mà người ta bán hương
chứ có yêu cầu mình nộp tiền vệ sinh như cái lũ thất đức kia đâu? Nghĩ
vậy, hai ông bà mua vài bó hương gọi là ủng hộ, lại còn được ghi danh để
ghi tên vào bảng vàng công đức. Gớm, bỏ ra có trăm ngàn mà được lưu
danh hậu thế! Đúng là nhà chùa làm gì cũng có trước có sau. Vị sư đảo
mắt nhét tiền vào tay nải rồi rảo chân quay gót để lại đằng sau lời cảm
ơn rối rít của hai ông bà.
Tối đến, khi kể lại câu chuyện trên, con trai ông bà nhăn nhó nói bố
mẹ ơi hương rởm đấy, toàn hóa chất, đốt lên không khéo ngộ độc. Nghe
vậy, ông bà cứ ngẩn ra. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Sau hai cú lừa ấy, lại được con quán triệt, ông bà quyết thực hiện ba
không (không nghe, không thấy, không nói) với tất cả mọi người. Gì chứ
cái này thời chống Pháp ông bà đã biết rồi. Bởi thế bây giờ đi tới nhận
thức chung và quyết tâm thực hiện chẳng khó gì.
Mà đúng thật, cách đây vài hôm, ông bà nhất định không cho hai mẹ con
đứa em họ tôi trú mưa ở mái hiên cho dù cháu đã thanh minh là có họ với
tôi, vừa ở quê ra đúng lúc tôi không có nhà.
Ông bà suy nghĩ lung lắm, lại còn chụm đầu hội ý, phân tích để nhận
định, phán đoán tình hình. Đối tượng này chưng đứa bé ra để lấy lòng
trắc ẩn của mọi người đây. Lại tìm đến đúng lúc cơn mưa để hợp lý hóa và
đưa con mồi vào thế khó xử, đáng ngờ, rất đáng ngờ, vì thế cần phải
kiên quyết. Thế là ông bà đuổi em tôi, một thiếu phụ đang ôm con trong
cơn mưa tầm tã, như đuổi tà. Lúc ấy, chẳng thể tìm được vẻ phúc hậu và
chất phác của người dân quê trên khuôn mặt ông bà, chỉ thấy lồ lộ ra vẻ
ghê gớm và nhìn người bằng nửa con mắt.
Kể lại câu chuyện này, tôi cứ băn khoăn, liệu người ta có thể bột
phát độc ác khi niềm tin của họ đã bị đánh cắp và đồng thời được trang
bị một thứ giáo điều khả tín nào đó? Liệu tình huống và môi trường có
phải là nguyên nhân làm cho người thiện trở thành kẻ ác?/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét