Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Đảng ta không đau mắt!

http://danluan.org/node/14247





 Trong giờ giảng môn Lịch sử ở một lớp tiểu học, cô giáo say sưa:
-“Các con ạ, Đảng ta thật là vĩ đại. Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta đi suốt những chặng đường quanh co khúc khuỷu… để đạt hết thắng lợi này… đến thắng lợi khác…”.
Cô giáo chưa dứt lời thì một chú bé giơ tay:
- “Thưa cô. Con có thắc mắc ạ”.
Cô giáo chững lại:
- “Vâng xin mời con. Con muốn hỏi gì nào?”
- “Thưa cô Đảng ta có đau mắt không ạ?”
Cô giáo ngỡ ngàng:
- “Sao con lại hỏi thế?”
“Là vì… Là vì…” – Cậu bé rụt rè. Cô giáo động viên:
- “Con đừng ngại… Con cứ hỏi đi”
- “Là vì… Là vì…, thưa cô… Tại sao Đảng ta không đưa nhân dân ta đi đường thẳng, đường quang,… mà lại đưa nhân dân ta đi những chặng đường quanh co khúc khuỷu ạ?”
Cô giáo trố tròn mắt,… nghĩ mãi không ra câu trả lời.
Đấy là câu chuyện tôi nghe các cô giáo kể cách đây đã ba bốn chục năm, khi ngồi quanh bàn trà ở nơi sơ tán. Chẳng biết có chuyện thật như thế hay không, nhưng mỗi khi nghĩ đến thì lại thấy buồn cười với mẩu chuyện vui vui về những câu hỏi ngây ngô của con trẻ.
* * *
Ấy nói là ngây ngô, nhưng bây giờ, mỗi khi đọc trên báo những mẩu tin về tham nhũng lại gợi tôi nhớ lại câu hỏi của bọn con trẻ,… về chuyện Đảng ta đau mắt…



Những tin được đăng đại loại như sau: “Chưa phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng”, “Chưa phát hiện dấu hiệu bao che”, “Chưa phát hiện dấu hiệu gian lận”, “Chưa phát hiện dấu hiệu bảo kê”, “Chưa phát hiện ra chỗ nào mua bán chức quyền”,… “Chưa phát hiện ai hết!”… “Chưa phát hiện cái gì hết!”… “Tài liệu của các cơ quan pháp luật của nước ngoài chỉ là tham khảo”.

Đọc những tin tức này, tôi lại bật nghĩ đến câu hỏi hồn nhiên của con trẻ năm xưa… “Chắc có lẽ Đảng ta đau mắt phải không ạ?”
Nhưng rồi…
Một buổi sớm đi tập thể dục tôi nghe các cụ càu nhàu khi bị trẹo chân trên lớp gạch lát vỉa hè gập ghềnh nham nhở, vừa lát hôm trước hôm sau đã bật tung,lầm lầy những cát:
- “Sao chúng nó không làm được cái vỉa hè tử tế như hồi… đế quốc sài lang nhẩy?”.
Một cụ hỏi ra vẻ tức tối. Cụ khác lập tức đáp lời:
- “Ông buồn cười thật đấy! Làm kiên cố thì chúng nó ăn gì? Làm thế này thì cuối năm lại… dự trù kinh phí,lại… sửa chữa, lại… nâng cấp, lại mở rộng, lại… dự toán,… Có thế chúng nó mới có… cái món… để mà ăn lại quả chứ!”. Rồi các cụ dứt dóng, … “Chỉ có cái đứa thong manh (mắt kém) mới không hiểu vì sao đường sá cứ sửa chữa hoài… Năm nào cũng sửa!”.
Một cụ khác ra dáng một chuyên viên nghiên cứu đã về hưu tiếp lời:
- Ừ…ừ. Thằng nhỏ thì ăn vỉa hè, thằng nhỡ thì ăn đài tưởng niệm, thằng nhớn thì ăn dự án, thằng bự thì ăn cái… đồ… vĩ mô hơn. Chúng nó có phần hết.
Một cụ khác chêm vào:
- Rồi đến khi bị phát giác, đưa chúng ra kiểm điểm… nội bộ, thì chúng cười khì khì, và đọc một báo cáo rất chi là lâm li rành rẽ:

Biếm họa "Duyệt Dự Án" của Phạm Quang Huynh
“Thưa các đồng chí chưa bị lộ! Em chẳng may bị lộ, xin tự phê bình nghiêm khắc như sau, như sau,… và như sau… Cuối cùng chúc các đồng chí ăn chia sòng phẳng, đừng ngố để chúng nó xía cho, rồi mà bị lộ như cái thân em”.
Nghe xong báo cáo thì cả hội nghị vỗ tay tèn tẹt. Còn tôi nghe các cụ xong, thì tỉnh người, nghĩ ra câu trả lời cho các cháu học sinh năm nào: “Các con ơi. Đảng ta không đau mắt đâu… Đảng ta thấy hết cả đấy”.
(Theo E.mail - TVT)

Để chặt đứt các nhóm lợi ích

http://danluan.org/node/14237


 
Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai…

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong buổi tọa đàm tuần trước của UB Kinh tế Quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Mai Xuân Hùng nhắc đến một trong những nguy cơ lớn nhất: nhóm lợi ích. "Chỉ một cá nhân có thể thâu tóm cả hệ thống", ông nói.

Làm rõ khe hở luật pháp

Cụm từ “nhóm lợi ích” hay "lợi ích nhóm" gần đây được nhắc đến ngày một nhiều.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu đích danh “lợi ích nhóm” trong phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa XI.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đích danh "nhóm lợi ích". Ảnh: TTXVN

Riêng trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu không ngần ngại điểm mặt chỉ tên thủ phạm “nhóm lợi ích” đang chi phối nền kinh tế.

Chẳng hạn, phát biểu về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ ba, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012, mà cả trong tiến trình tái cơ cấu.

Mới đây, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nói: “Năng lực, bộ máy, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?”.


Đặc biệt, trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” mới phát hành, lần đầu tiên UB Kinh tế Quốc hội đưa ra những mô tả cụ thể nhận diện các nhóm lợi ích.
“Ưu điểm” nổi bật là những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân. Có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc.

Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích càng hoạt động trắng trợn hơn.
Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, rừng biển…

Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã hay một cá nhân thanh tra... Thậm chí, các hoạt động này len lỏi cả vào những lĩnh vực rất trí thức như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, chấm luận án.
“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau.

Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi dụng”, bản báo cáo phân tích.
Như vậy, các nguồn lực kinh tế đã bị xâu xé, bóp méo… để phục vụ các nhóm lợi ích khác nhau.

Đổi mới mà không… tốn tiền

Từ những phân tích trên, UB Kinh tế đề xuất cần thay đổi tư duy. Bởi một số nhóm lợi ích đã lợi dụng tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” khiến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh bình đẳng.
Báo cáo chỉ rõ, trong khi về hình thức luôn nhấn mạnh kinh tế nhà nước là chủ đạo thì các công ty sân sau của con, cháu, thân quen của lãnh đạo các cấp lại đều là kinh tế tư nhân.

Chính các công ty sân sau này đang đem lại lợi nhuận hợp pháp cho tư nhân, còn phần lỗ để cho công ty nhà nước gánh chịu. Việc dùng các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước để bù lỗ, ổn định giá đều quá tốn kém, không hiệu quả và bị chia chác trong “lợi ích nhóm”.

Theo bản báo cáo, thực tế mất ổn định kinh tế vĩ mô suốt thời gian qua hoàn toàn bác bỏ vai trò là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. “Nếu luôn xem đây là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô thì tại sao tình hình mất ổn định lại gay gắt, kéo dài như hiện nay?”, nhóm chuyên gia nêu câu hỏi.

Chính tư duy coi kinh tế nhà nước là chủ đạo đã dẫn đến sự chèn ép với khu vực kinh tế tư nhân. Và khu vực kinh tế này cũng phải tìm cách sinh tồn.
Các doanh nhân thay vì lo đầu tư kinh doanh thì lại chăm chỉ đầu tư thời gian, tiền bạc để thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Phải lo đến thăm người bệnh, dự đám giỗ, đám tang, đám cưới, chúc tết các quan chức lớn, nhỏ… để giữ quan hệ.

Chuyện mua bán quan hệ như vậy đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những đại gia tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam. Những người phất lên nhanh chóng không do tiến bộ khoa học, công nghệ, năng suất lao động hay đóng góp cho phát triển kinh tế mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản…
“Những đại gia này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng, trong không ít trường hợp thiếu tôn trọng pháp luật và lợi ích người lao động. Sự phát triển lệch lạc này của khu vực kinh tế tư nhân rất không bền vững”, báo cáo mô tả.

Sau khi cảnh báo các mối nguy trên, nhóm chuyên gia kiến nghị các giải pháp cải cách thể chế mạnh mẽ để các nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, góp phần vào thành công của tái cơ cấu kinh tế. Chẳng hạn, thiết kế cơ chế giám sát.

Tất cả các cấp, các cơ quan đều phải được giám sát chặt bởi một hay nhiều thể chế độc lập. Cần lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ, hoạt động theo luật pháp dưới sự giám sát của Quốc hội.
“Quá trình này không tốn kém tài chính, không cần đầu tư vốn lớn nhưng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao để vượt qua những nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ”, nhóm chuyên gia kết luận.

Lê Nhung

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

người Việt 'xấu xí' ở nước ngoài

http://vn.news.yahoo.com/khi-ng-vi-t-x-u-x-n-025210454.html


Trong mắt nhiều người nước ngoài, du khách Việt Nam ồn ào, ăn tham và thích xả rác bừa bãi.


Khách Việt ăn tham?

Mới đây, một bức hình được cho là chụp tại một nhà hàng buffet ở Thái Lan đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng và đặt ra những suy nghĩ về văn hóa ứng xử của một số du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Từ bức ảnh, không khó để nhận ra tác dụng của dòng chữ Việt được viết trên chiếc bảng là để “cảnh báo” những vị khách Việt: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath (bạt) đến 500 bath. Xin cảm ơn!”.


Bức ảnh đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên đại đa số đều cảm thấy xấu hổ khi người Việt bị “phân biệt đối xử” nơi đất khách như vậy. Mặc dù có nhiều ý kiến tỏ rõ sự tự ái khi nhà hàng Thái Lan kia chỉ cảnh báo người Việt, nhưng cũng có một sự thật là nhiều người khách Việt đã “gửi” lại những hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế từ những chuyến du lịch xuất ngoại của mình. Trước đó, hồi tháng 7/2012, một đoạn clip ăn buffet như ăn cướp tại một nhà hàng ở TP.HCM đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Người ta choáng bởi kiểu giành giật món ăn, những tiếng gào thét, la ó như tăng thêm sự “kinh khủng” cho bữa tiệc này.

Thêm một lần nữa, văn hóa ăn uống của người Việt lại trở thành một đề tài đáng phải đem ra xem xét. Có lẽ, văn hóa buffet vẫn còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam vì tình trạng trên không những xảy ra thường xuyên ở trong nước mà ngay cả khi đi ra nước ngoài, tật xấu này vẫn không hề thay đổi. Anh Sơn, một nghiên cứu sinh đang theo học tại Singapore chia sẻ: “Mình ăn buffet tại một số nhà hàng bên này thì cũng thấy có biển ghi bằng tiếng Việt: “Lấy vừa đủ ăn”. Lúc đầu thì cũng không để ý, nhưng sau nhận ra không hề có biển các nước khác thì thấy rất xấu hổ”.

Ồn ào, tò mò và thích xả rác


Từ chuyện ăn buffet, có thể nhận thấy trong mắt bạn bè quốc tế, nhiều du khách Việt còn có không ít tật xấu khác như ồn ào, thích vứt rác bừa bãi, thậm chí cả ăn cắp vặt. Một trong những “ấn tượng” đầu tiên của người nước ngoài về người Việt, ngoài sự nhiệt tình, cởi mở thì “người Việt rất ồn ào”. Sự ồn ào thể hiện ngay ở văn hóa bấm còi inh ỏi trên đường hay nói chuyện “maximum” mọi lúc mọi nơi: trong thang máy, trên xe buýt, thậm chí giữa cuộc họp. Một thói quen xấu khác cũng phổ biến không kém và thường bị bắt gặp ở du khách Việt là thói quen xả rác bừa bãi.

“Nếp nhà” này được nhiều người giữ nguyên khi du lịch nước ngoài. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến hành vi nào đáng hổ thẹn như thế trong nhà hàng. Họ bốc đồ ăn bằng tay, không có bất cứ loại màn vệ sinh nào. Thật khó tin rằng người Việt có một nền văn hóa hàng ngàn năm. Vì Chúa hãy bắt đầu cư xử như những người trưởng thành lịch sự đi". Mặc dù thùng rác công cộng không ít, thế nhưng dường như đã quen với kiểu “tiện đâu ném đấy” nên bất cứ chỗ nào cũng có thể bị du khách Việt biến thành “nơi chứa rác”. “Mình đi mãi mà không thấy chỗ nào để vứt nên mình để lại luôn.

Mà mình để túi rác rất gọn gàng chứ có vứt tung ra đâu. Sẽ có công nhân vệ sinh dọn thội” – một du khách người Việt hồn nhiên nói. Một điều nữa đáng bàn là khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài thường không quan tâm đến văn hóa nước bạn. Gọi đây là thói xấu thì hơi quá, nhưng nếu coi đó là “một sự lãng phí lớn” thì điều này cũng đáng để suy ngẫm. Thử nghĩ xem, bạn phải bỏ một khoản tiền lớn cho những chuyến tham quan ngoài biên giới.

Vậy tại sao không nhân cơ hội này để vừa thăm thú cảnh đẹp, vừa học hỏi tinh hoa văn hóa của đất nước mà bạn đến thăm? Anh Giang, hướng dẫn viên của một công ty du lịch, chia sẻ: “Người nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu, họ sẽ tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trước lúc sang đây. Khi được hướng dẫn viên thuyết trình về các địa danh lịch sử, họ đều chăm chú lắng nghe, có thể hỏi lại những điều chưa rõ. Thế nhưng, nhiều khách Việt lại khác.

Trong khi hướng dẫn viên cố đem đến cho khách những thông tin bổ ích về lịch sử thì nhiều người lại bỏ ngoài tai, chỉ mải mê chụp ảnh”. Không thể đánh đồng tất cả người Việt Nam đều mang những "tật" trên, nhưng đó cũng là một bộ phận không nhỏ. Và trong mắt không ít người ngoại quốc, nhiều trường hợp khách du lịch Việt Nam đã trở thành "con sâu làm rầu nồi canh". Xin mượn ý kiến một cư dân mạng thay cho lời kết: “Thay vì tìm cách biện hộ, mỗi chúng ta nên cần tự rút ra bài học cho bản thân trong việc hành xử, đặc biệt là ở xứ người”.

(Theo TTVN)

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Quan Làm Báo tốt hay xấu?

Quan Làm Báo: Quan Làm Báo tốt hay xấu?

Ai đứng phía sau Quan Làm Báo?

http://www.rfa.org/

Sau vụ bầu Kiên bị bắt, người ta tự hỏi ai là người chủ trương trang blog QuanLamBao, mà lại có thể thoát ra ngoài tầm kiểm soát của an ninh Việt Nam?
Screen capture
Trang blog Quan làm báo.

Trang blog Quanlambao hiện đang được nhiều người truy cập bởi những thông tin xuất hiện trên trang blog này được xem là phơi bày những bí mật nhất của chế độ hiện nay.

Bất khả xâm phạm

Nếu ai từng có một trang blog tại Việt Nam thì đều biết rằng đưa những bài viết có tính nhạy cảm là chấp nhận công an làm khó dễ và trang blog không sớm thì muộn sẽ bị đóng cửa theo những quy định mà nhà nước có sẵn nhằm đối phó với thông tin đi ngược lại với những gì mà chính quyền không muốn phơi bày.
Hai trang mạng nổi tiếng hiện nay là Basam và Dân Làm Báo sở dĩ không đóng cửa được vì có IP ở nước ngoài, thế nhưng chúng vẫn không tránh khỏi hacker nhiều lần tấn công.
Thêm vào đó tường lửa được tạo ra dày đặc trong nước làm nản lòng những người muốn theo dõi tin tức nơi báo lề trái.
Cơ quan kiểm soát thông tin mạng đã tỏ ra mẫn cán trong công tác này hơn cả sự mong đợi của chế độ.
Thế nhưng những nỗ lực của công an mạng lại không thể thành công đối với trang blog mang tên Quanlambao.

Từ khi xuất hiện tới nay trang blog này không những chỉ chuyên tâm đưa các bài viết vượt qua rất xa sự nhạy cảm mà nó còn tấn công trực diện Thủ tướng đương nhiệm cùng tất cả những người thân hay thuộc hạ của ông mà Quanlambao gọi chung là tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.

Tình báo Bắc Kinh?

Vụ bắt giữ bầu Kiên đưa tiếng tăm của Quanlambao vượt xa các trang mạng nổi tiếng khác nhưng nó đồng thời cũng mang lại lắm câu hỏi về nhân thân của những ai đang điều hành trang mạng này.
Cách đưa thông tin của Quanlambao gây cho những người theo dõi tin rằng đây là sự hợp tác của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để đối phó với thế lực ngày một lớn và bao trùm tất cả các ngõ ngách chính trị, kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
TS Hà Sĩ Phu, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ nhân quyền nhiều năm qua phân tích điều này:
Quan Làm Báo đứng về phe ông Trọng và ông Sang và tất nhiên phe này thân Tàu hơn phe ông Dũng rồi vì vậy người ta nghi rằng Trung Quốc có một cái liên kết gì đấy.
TS Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
“Quan Làm Báo đứng về phe ông Trọng và ông Sang và tất nhiên phe này thân Tàu hơn phe ông Dũng rồi vì vậy người ta nghi rằng Trung Quốc có một cái liên kết gì đấy.
Quan Làm Báo  chủ yếu đánh vào tham nhũng và kinh tế, ngân hàng chứ còn mặt chống Trung Quốc thì Quan Làm Báo chỉ đưa những bài có tính chất tượng trưng để giảm bớt tính cực đoan của một phía chứ không nằm trong trọng tâm.
Tóm lại đánh Trung Quốc để bảo vệ đất nước không phải là trọng tâm của Quan Làm Báo.  Đó là điều mà nhân dân phải cảnh giác.”
Đối với nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước thì Quanlambao được hình thành và hoạt động mạnh mẽ như vậy chỉ có thề do bàn tay của tình báo Bắc Kinh giúp đỡ, điều hành từ bên ngoài.

Nhìn dưới góc độ chuyên môn những tin tức bí mật mà Quanlambao loan tải không thể che dấu được tình báo Việt Nam địa chỉ nguồn tin được tung ra.
Tuy nhiên chúng vẫn xuất hiện liên tục cho thấy kế hoạch thu thập tin tức được bố trí chặt chẽ và bài bản, khác rất xa với người làm việc trong nước.

Những ý kiến khác nhau

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một trí thức bất đồng chính kiến khác cũng cùng chung nhận xét rằng Trung Quốc chính là chủ nhân của Quanlambao, tuy nhiên ông không đồng ý cách mà hai phe chống đối lẫn nhau như vậy, ông nói:
Tôi nghiêng về phía cho rằng có bàn tay của Trung Quốc. Ít nhất là giật giây, thúc ép, điều hành để tạo ra sự lộn xộn. TS Nguyễn Thanh Giang, Hà Nội
“Giữa lúc nước sôi lửa bỏng này vấn đề cơ bản của Việt Nam bây giờ là vấn đề ngoại xâm, vần đề Trung Quốc, chứ đem nhau ra phơi mặt và đánh nhau như vậy tôi cho là không lành mạnh, càng đẩy thêm nguy cơ làm yếu mình và làm lợi thế cho Trung Quốc.
Tôi nghiêng về phía cho rằng có bàn tay của Trung Quốc. Ít nhất là giật giây, thúc ép, điều hành để tạo ra sự lộn xộn.”
Tuy nhiên đối với TS Hà Sĩ Phu thì ông lại ủng hộ Quanlambao ít nhất trong lúc này vì nó giúp cất đi gánh nặng của đảng trị:
“Nói về chuyện có lợi hay không lợi theo tôi chủ yếu là có lợi. Có được một tờ báo có tính chất nội tình như thế thì rất quan trọng.
Hai bên đánh nhau thì rất có lợi vì có đánh nhau thì tất cả những nhược điểm mới được phơi bày vì từ trước tới nay đảng cộng sản Việt Nam giữ kín rất tài.
Chính do mâu thuẫn đó tự họ phơi bày nhau ra, điều đó bất kể kết quả ra sao thì chuyện phơi bày đó giúp ích cho việc giải tỏa đảng trị cộng sản.
Thế còn cái phần có hại là phần đề phòng, cái phần nghĩ xa chứ còn phần trước mắt trong nội tình này thì Quan làm báo  là tiếng nói có ích.”

Vẫn còn là bí ẩn

Những tin tức xuất hiện trên Quanlambao dù sao cũng soi sáng được rất nhiều góc tối mà chính quyền muốn dấu.
Trước mắt, người được lợi là nhân dân và dù muốn hay không những con sâu mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói tới đã có thuốc trị.
Tuy nhiên đối với nhiều người trong đó có TS Nguyễn Thanh Giang thì vẫn lo ngại rằng Quanlambao sẽ là nơi mà Trung Quốc dùng để khỏa lấp ý đồ xâm lăng của họ:
“Giữa hai vần đề nguy cơ của xâm lăng và nguy cơ của tham nhũng thì phải nói rằng nguy cơ xâm lăng là cao hơn và nguy hiểm hơn nguy cơ tham nhũng.
Bây giờ đem việc chống tham nhũng ra để khuấy động lên nhằm xóa nhòa việc chống xâm lăng mà cụ thề là Trung Quốc thì rất thất sách.
TS NguyễnThanh Giang, Hà Nội
Bây giờ đem việc chống tham nhũng ra để khuấy động lên nhằm xóa nhòa việc chống xâm lăng mà cụ thề là Trung Quốc thì rất thất sách và có thể là âm mưu của những kẻ lãnh đạo”.
TS Nguyễn Thanh Giang cho rằng sự tham lam mà ông Nguyễn Tấn Dũng có được là do lỗi của hệ thống. Chính chủ trương, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Ông Nguyễn Tấn Dũng có tham lam được như thế và tham nhũng không chỉ cho ông ấy mà cho bè cánh của ông ta như thế là cũng do chủ trương đường lối.
Lợi dụng việc làm trong sạch nội bộ để đi diệt nhau như vậy là không đúng. Tội của một người khác cụ thể là ông Tổng Bí Thư còn lớn hơn ông Nguyễn Tấn Dũng rất nhiều”.
TS Hà Sĩ Phu cũng cẩn thận với viễn ảnh phe của ông Nguyễn Phú Trọng chiếm ưu thế vì lúc ấy nguy cơ thân Tàu của ông Tổng bí thư sẽ làm cho đất nước bước vào một nguy cơ khác nguy hiểm hơn nhiều:
“Thái độ của người dân là như thế này: Thứ nhất họ không tin bên nào thắng cả vì bên nào thắng cũng có những sự nguy hiểm.
Cái bên đục khoét kinh tế, làm ruỗng đi năng lực của đất nước nếu lên được thì tuy không thân Tàu lại theo kiểu Putin trở thành một chế độ cộng sản biến tướng thì cũng chẳng dân chủ gì.
Thế còn phía hiện nay Quan làm báo  đang chủ trương đánh vào tập đoàn ông Dũng mà thắng thì lại càng nguy hiểm hơn vì thân Tàu”.
Nói gì thì nói Quanlambao vẫn là đề tài bàn tán của người quan tâm đến sự ảnh hưởng từ các trang mạng Internet trong thời điểm hiện nay nhất.
Cho tới khi sự thật được phơi bày, Quanlambao vẫn là câu hỏi khó giải mã về những người đang điều hành nó.

.