Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

hành dân: Chờ đợi và về không

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120508/nhung-cua-quan-hanh-dan-cho-doi-va-ve-khong.aspx

Đăng ký họ tên, chờ đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng chỉ mong được gặp đại biểu dân cử vài phút để đưa đơn khiếu nại mà chưa chắc đã được gặp, cũng không biết bao giờ thì đến lượt mình…

Đó là tình cảnh chung của rất nhiều người dân khi đến trụ sở tiếp dân của Hà Nội ở 34 Lý Thái Tổ mà chúng tôi chứng kiến sáng 6.4. Có mặt trước 8 giờ sáng, chúng tôi đã thấy gần 20 người chực sẵn. Nhiều người nói họ đã ra khỏi nhà từ 5 giờ, với hy vọng được gặp đại biểu Quốc hội luôn trong ngày. Đến 8 giờ, khi cửa phòng tiếp dân mở ra thì cũng là lúc nhiều người tắt hy vọng, do danh sách đăng ký quá dài.

“Bao giờ mới đến lượt chúng tôi”
Bà Yến, ngụ Q.Cầu Giấy, cho biết bà đi khiếu nại về việc bị lấn chiếm 23 m2 đất đã 17 năm nay mà chưa có kết quả. Theo kinh nghiệm của bà thì “chắc hôm nay chỉ tiếp danh sách đã đăng ký ngày 23.3, vì số người chờ đợi còn nhiều lắm. Có đăng ký tên ngày hôm nay cũng không thể đến lượt mình”. “Vừa nãy tôi nhờ một cán bộ công an cho xem danh sách, xem có tên mình trong đó không, nhưng anh kia nhất định từ chối. Tôi chỉ muốn xem hôm nay có tên mình không, nếu không thì tôi về. Chúng tôi là dân lao động, còn phải làm việc nọ việc kia để kiếm tiền, không thể cứ chầu chực cả buổi xong lại không đến lượt”, bà cụ đã hơn 60 tuổi này than thở.

 Chờ gặp đại biểu dân cử ở Phòng Tiếp dân Hà Nội
Chờ gặp đại biểu dân cử ở Phòng Tiếp dân Hà Nội - Ảnh: Thanh Mai

Còn ông Nguyễn Văn Thọ (trú tại Văn Chương, Đống Đa) thì gần một năm nay cứ chầu chực xin gặp đại biểu Quốc hội để nhờ chuyển đơn xin giảm án cho thủ phạm giết con trai ông từ chung thân xuống 20 năm. “Dân bức xúc thì nhiều, nhưng mỗi buổi sáng đại biểu chỉ tiếp được trên dưới 10 công dân là quá ít. Đấy cô xem, giờ này đã 9 giờ kém nhưng vẫn chưa thấy đại biểu tiếp dân, trong khi theo lịch thì 11 giờ đã hết giờ tiếp”. Vừa nói, ông Thọ vừa chỉ lên đồng hồ treo ở cuối phòng, không giấu được sự ngao ngán.

 

Dân bức xúc thì nhiều, nhưng mỗi buổi sáng đại biểu chỉ tiếp được trên dưới 10 công dân là quá ít

Ông Nguyễn Văn Thọ - Q.Đống Đa, Hà Nội

Khi thấy đại biểu Quốc hội xuất hiện, tất cả dồn hết sang cửa phòng tiếp dân để chờ cán bộ ra xướng tên. “Hôm nay đọc tiếp cử tri đăng ký theo danh sách ngày 23 hay thế nào hả cháu”, “Danh sách ngày 23.3 có những hai trang cơ mà cháu, cô còn photo lại đây”… Không trả lời hàng loạt câu hỏi được người dân nóng lòng dồn dập đặt ra, vị cán bộ nọ đọc xong tên người đầu tiên vào tiếp xúc rồi đóng chặt cửa phòng. Những người còn lại thất vọng tản về chỗ ngồi, tiếp tục đợi.
Chờ hơn 30 phút vẫn chưa thấy “công dân may mắn” ấy trở ra, trong khi đồng hồ đã chỉ 10 giờ 10, đám đông không thể ngồi yên nữa. Có ai đó đấm mạnh vào cửa, đòi người ở trong chấm dứt lượt tiếp vì sắp hết giờ buổi sáng. Nước mắt giàn giụa, người vừa được tiếp vội mở cửa ra ngoài, giọng đầy phẫn nộ: “Các chị có biết tôi đã phải chờ đợi như các chị hai mươi mấy năm nay không, giờ tôi mới được trình bày cặn kẽ một tí...”.
“Ai chả phải chờ như chị, ai chả sốt ruột, chúng tôi cũng bỏ hết công hết việc đến đây. Sáng đến giờ mới tiếp được có 2 - 3 người thì bao giờ mới đến lượt chúng tôi”, nhiều tiếng nói chen nhau cất lên.

Chờ đợi nhiều, tiếp nhỏ giọt
Nội quy ở phòng tiếp dân ghi rõ hướng dẫn công dân đến đăng ký vào sổ để chờ đến lượt gọi, nhưng sổ chẳng thấy đâu, chỉ thấy tờ giấy nhàu nhĩ vì qua tay quá nhiều người.
Bảng tin ở phòng tiếp dân cũng trống trơn không một thông tin, trong khi điều đơn giản có thể giúp người dân đỡ phải thắc mắc, phấp phỏng, chờ đợi rồi về không là thông báo rõ tên đại biểu sẽ tiếp dân hay thông tin dự kiến về lượt người được tiếp trong sáng hôm đó sẽ dừng ở số thứ tự đăng ký nào.
Theo ông Vũ Tiến Hưng, chuyên viên chính giúp việc cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong công tác tiếp dân tại 34 Lý Thái Tổ, hằng tuần đại biểu HĐND sẽ tiếp dân vào sáng thứ năm ở hai địa điểm, một ở 34 Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm) và một ở 20 Hoàng Diệu (Q.Hà Đông). Lịch tiếp công dân của đại biểu Quốc hội thì vào thứ sáu hằng tuần, cũng ở 2 địa điểm trên với thời gian tiếp từ 8 giờ 30 đến 11 giờ. Mỗi buổi trung bình tiếp được 20 lượt công dân.
Tuy nhiên buổi tiếp dân sáng 6.4 chúng tôi ghi nhận chưa tới 10 công dân được tiếp. Rõ ràng với sự chờ đợi của số đông người dân, thời gian tiếp nhỏ giọt như vậy đã kéo dài thêm sự mỏi mòn của họ, kèm theo rất nhiều phiền toái mà chuyện tranh cãi tay ba, tay bốn tại phòng tiếp dân vì người được tiếp lâu hay nhanh là một ví dụ.

Thanh Mai - Lê Quân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét