Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan
đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ,
tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai…
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong buổi tọa đàm tuần trước của
UB Kinh tế Quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Mai Xuân Hùng nhắc đến một trong
những nguy cơ lớn nhất: nhóm lợi ích. "Chỉ một cá nhân có thể thâu tóm
cả hệ thống", ông nói.
Làm rõ khe hở luật pháp
Cụm từ “nhóm lợi ích” hay "lợi ích nhóm" gần đây được nhắc đến ngày một nhiều.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu đích danh “lợi ích
nhóm” trong phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng
khóa XI.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đích danh "nhóm lợi ích". Ảnh: TTXVN
Riêng trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu không ngần ngại điểm mặt
chỉ tên thủ phạm “nhóm lợi ích” đang chi phối nền kinh tế.
Chẳng hạn, phát biểu về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ ba, ĐBQH
Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cảnh giác với tác động của
các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012, mà cả
trong tiến trình tái cơ cấu.
Mới đây, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về chống tham nhũng, Phó
chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nói: “Năng lực, bộ máy,
quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải
chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?”.
Đặc biệt, trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”
mới phát hành, lần đầu tiên UB Kinh tế Quốc hội đưa ra những mô tả cụ
thể nhận diện các nhóm lợi ích.
“Ưu điểm” nổi bật là những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh
hoạt, theo từng vụ, việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi
dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc
theo “quan hệ” cá nhân. Có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái,
thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc.
Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng
lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích càng hoạt động
trắng trợn hơn.
Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có
chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân
sách, đầu tư, đất đai, rừng biển…
Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã hay một cá
nhân thanh tra... Thậm chí, các hoạt động này len lỏi cả vào những lĩnh
vực rất trí thức như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, chấm luận án.
“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động trong một không gian chủ yếu phi
chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn
lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau.
Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại
nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian
tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi
dụng”, bản báo cáo phân tích.
Như vậy, các nguồn lực kinh tế đã bị xâu xé, bóp méo… để phục vụ các nhóm lợi ích khác nhau.
Đổi mới mà không… tốn tiền
Từ những phân tích trên, UB Kinh tế đề xuất cần thay đổi tư duy. Bởi
một số nhóm lợi ích đã lợi dụng tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo”
khiến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh bình đẳng.
Báo cáo chỉ rõ, trong khi về hình thức luôn nhấn mạnh kinh tế nhà
nước là chủ đạo thì các công ty sân sau của con, cháu, thân quen của
lãnh đạo các cấp lại đều là kinh tế tư nhân.
Chính các công ty sân sau này đang đem lại lợi nhuận hợp pháp cho tư
nhân, còn phần lỗ để cho công ty nhà nước gánh chịu. Việc dùng các tập
đoàn kinh tế, công ty nhà nước để bù lỗ, ổn định giá đều quá tốn kém,
không hiệu quả và bị chia chác trong “lợi ích nhóm”.
Theo bản báo cáo, thực tế mất ổn định kinh tế vĩ mô suốt thời gian
qua hoàn toàn bác bỏ vai trò là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của các
tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. “Nếu luôn xem đây là công cụ
hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô thì tại sao tình hình mất ổn định lại
gay gắt, kéo dài như hiện nay?”, nhóm chuyên gia nêu câu hỏi.
Chính tư duy coi kinh tế nhà nước là chủ đạo đã dẫn đến sự chèn ép
với khu vực kinh tế tư nhân. Và khu vực kinh tế này cũng phải tìm cách
sinh tồn.
Các doanh nhân thay vì lo đầu tư kinh doanh thì lại chăm chỉ đầu tư
thời gian, tiền bạc để thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Phải lo đến
thăm người bệnh, dự đám giỗ, đám tang, đám cưới, chúc tết các quan chức
lớn, nhỏ… để giữ quan hệ.
Chuyện mua bán quan hệ như vậy đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh
chóng của những đại gia tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam. Những người phất
lên nhanh chóng không do tiến bộ khoa học, công nghệ, năng suất lao động
hay đóng góp cho phát triển kinh tế mà chủ yếu do khai thác tài nguyên
đất đai, khoáng sản…
“Những đại gia này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng,
trong không ít trường hợp thiếu tôn trọng pháp luật và lợi ích người lao
động. Sự phát triển lệch lạc này của khu vực kinh tế tư nhân rất không
bền vững”, báo cáo mô tả.
Sau khi cảnh báo các mối nguy trên, nhóm chuyên gia kiến nghị các
giải pháp cải cách thể chế mạnh mẽ để các nguồn lực được phân bổ hiệu
quả hơn, góp phần vào thành công của tái cơ cấu kinh tế. Chẳng hạn,
thiết kế cơ chế giám sát.
Tất cả các cấp, các cơ quan đều phải được giám sát chặt bởi một hay nhiều thể chế độc lập. Cần lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ, hoạt động theo luật pháp dưới sự giám sát của Quốc hội.
“Quá trình này không tốn kém tài chính, không cần đầu tư vốn lớn
nhưng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao để vượt qua những nhóm lợi ích và
tư duy nhiệm kỳ”, nhóm chuyên gia kết luận.
Lê Nhung