Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

hành dân

http://quechoa.info/2012/03/16/nghi%E1%BB%87n-hanh-dan/

Tuần này thiên hạ xôn xao dự thảo thông tư liên tịch về mũ bảo hiểm (MBH):”Những người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện đội các loại mũ thời trang, mũ thể thao, mũ bảo hiểm không đúng quy cách, sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc không đội mũ bảo hiểm, số tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng”. Mặc dù ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng (bộ Khoa học và công nghệ) đã loan báo: “Đối tượng chính để xử lý là nhà sản xuất và kinh doanh MBH giả, còn việc xử phạt người đội MBH giả chỉ là một khía cạnh nhỏ của thông tư” thì dân chúng vẫn sôi sục về cái gọi là “ khía cạnh nhỏ” của ông.
 
 Hóa ra  để chống MBH giả người ta bắt dân phải chịu trách nhiệm về hành vi mua MBH giả. Rõ là nực cười. Làm sao khẳng định được người đội MBH giả “biết giả vẫn cứ mua”? Và nếu người đội MBH không biết trên đầu mình là mũ giả hay mũ thật thì phạt thế nào? Chả hiểu cơ sở nào mà ông Nguyễn Văn Vinh khẳng định: “ đa phần mọi người biết ( MBH giả) mà cố tình đội, đội MBH mang tính hình thức để đối phó”. Không lẽ đa số người dân bảo vệ tính mạng của mình bằng cái MBH giả? Chả ai ngu bỏ tiền ra để mua cái chết, chỉ có mấy ông “dự thảo” nghĩ vậy mà thôi.

Và cũng chẳng hiểu sao ông Nguyễn Văn Vinh khẳng định: “không cần quá kỹ thuật, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể phân biệt được bằng mắt thường.” Muốn phạt người ta phải chứng minh được băng kĩ thuật đó là mũ giả hay thật chứ không thể bảo ê, tao thấy mày đội mũ giả, vào đây tao phạt mày!  Cái lý “có thể phân biệt được bằng mắt thường” của ông Vinh đã  tạo điều kiện cho lực lượng chức năng thả sức tung hoành, tự tung tự tác, nhìn mặt mà bắt hình dong, ghét thì tuýt còi bảo giả, yêu thì bảo thật cho qua. Ai nhanh tay xì tiền lót tay lập tức mũ giả thành mũ thật.  Ai ngu ngơ to mồm cãi lại thì mũ thật lập tức thành mũ giả, khéo không tiền mất tất mang. Từ nay dân phải có thêm một món tiến mãi lộ mới, ấy là tiền biến MBH giả thành MBH thật, còn trên mọi nẻo đường MBH giả, MBH thật cũng chừng ấy chiếc, không thay đổi được chút nào.

 Một dự thảo chẳng những không giúp gì cho quốc kế dân sinh mà còn gây phức tạp rối ren trên đường phố, làm mất thời gian tiền bạc của Nhà nước và tạo cơ hội cho rối loạn kỉ cương phép nước, làm ra để làm gì? Chỉ có những người soạn ra dự thảo mới trả lời được câu hỏi này. Bởi vì chính họ biết thừa để chấm dứt tình trạng MBH giả thì phải xử lý ngay ở nguồn nhập khẩu, nơi sản xuất và các hãng kinh doanh, chỉ có cách đó không có cách nào khác. Biết vậy tại sao người vẫn cứ ra các dự thảo bổ vào đầu dân?

Cũng như các dự thảo chống ùn tắc giao thông, không đốn được cái gốc người ta đua nhau ra các dự thảo chặt đẹp cái ngọn. Dự thay đổi giờ làm, dự thảo bắt dân nộp thêm phí giao thông các phương tiện xe máy, dự thảo bỏ xe máy đi xe bus, dự thảo xe số chẵn xe số lẽ, dự thảo ra vào thành phố ngày lẻ, ngày chẵn, thứ lẻ thứ chẵn.…

Vì sao lại có những dự thảo kì khôi như vậy? Phải chăng bệnh thích hành dân lâu ngày thành nghiện ngập, không hành dân không chịu được, việc gì cũng phải bổ vào đầu dân khi đó mới thỏa chí làm quan. Chỉ có giải thích như vậy thôi.

Nguyễn quang Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét