Diễn đàn “Khi người trẻ quay lưng với sự trung thực”
TT
- Tôi là một học sinh học hành chăm chỉ, rất có ý thức học tập. Tôi học
trường chuyên suốt thời phổ thông, bản thân từng đoạt một số giải
thưởng liên quan đến trí tuệ (như công trình nghiên cứu số đảo ngược và
số đối xứng do Cục Sở hữu trí tuệ cấp)... Kể như vậy để thấy rằng tôi thuộc dạng học sinh có trí nhớ tốt, có phương pháp học tập đúng đắn. Thế nhưng tất cả những điều đó cũng phải chào thua trước áp lực bài vở quá khủng khiếp từ trường học. Và kết quả là tôi cũng như nhiều bạn bè khác phải lâm vào cảnh buộc phải quay cóp. Chúng tôi bị ép phải sống thiếu trung thực. Vì sao vậy?
- Thứ nhất, nhiều trường quản lý thi cử không nghiêm túc, tạo sự bức xúc, cảm giác thua thiệt cho những học sinh học hành đàng hoàng.
- Thứ hai, bệnh thành tích được “gieo trồng” từ những cấp học thấp nhất, dẫn đến việc quay cóp lan truyền trong học sinh từ sớm. Nhiều thầy cô sẵn sàng chạy theo thành tích mà “nhắm mắt làm ngơ” trước việc vi phạm của học sinh mình, từ đó học sinh lại càng lầm tưởng điều mình làm là đúng, không có gì là xấu xa, mất đạo đức. Khái niệm về sự trung thực ở học sinh theo đó bị bóp méo từ từ.
- Thứ ba, chương trình học nặng và không hợp lý. Một số môn khoa học xã hội được giáo viên dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, dạy cho xong chương trình chứ không cần biết học sinh hiểu bài ra sao, tiếp thu thế nào... Với mớ kiến thức được nhồi đầy ắp như thế chúng tôi không tài nào tiêu hóa nổi, và khi thi thì quay cóp là điều tất yếu phải làm nếu không muốn bị thi rớt...
Hiện tôi đang theo học trường của Anh và cảm thấy hết sức thoải mái, đam mê học ngày mỗi tăng bởi khi thi cử thầy cô ra đề mở và luôn động viên người học tự nêu ý kiến cá nhân. Chính vì vậy mà chuyện quay cóp là điều không thể.
NGUYỄN HỮU QUANG
(cựu sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM)
Tôi từng hối hận vì không quay cóp!
Là lớp phó học tập suốt 12 năm phổ thông, tôi chưa từng quay cóp khi đi thi nhưng lý do không phải vì không muốn mà chỉ đơn giản là... không đủ can đảm!
Ngày đó, tôi thường xuyên sống trong sự dằn vặt với câu hỏi: gian lận để điểm cao hay trung thực có thể điểm thấp? Thời cấp II, chúng tôi học trong sự cạnh tranh gay gắt, so kè nhau từng điểm một. Chính vì thế dẫu thừa biết bản thân không đủ can đảm quay, nhưng tôi vẫn lận lưng tài liệu mỗi khi đi thi. Một số người bạn trong lớp cũng có suy nghĩ tương tự. Ai nhát thì cầm hờ cho an tâm, còn ai gan hơn sẽ quay cóp.
Tôi vui vì mình đã không quay cóp thời đi học, nhưng đôi khi nghĩ lại tôi cũng ít nhiều hối hận về việc mình từng nhát và “khờ” quá. Cảm giác của một người học hành đàng hoàng nhưng lại thấp điểm hơn những bạn quay cóp là rất khó chịu. Tôi không ngại học hành ngày đêm, chỉ cảm thấy quá bất công khi thi cử thầy cô lại có vẻ bao che, lơ là với sự gian lận, quay cóp. Khi sự trung thực, công bằng trong thi cử đã không được thầy cô đánh giá cao thì việc gì mình lại phải ép mình khổ sở như vậy..
LÊ HOÀNG TUẤN (Q.3, TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét