Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Tiền lệ Tiên Lãng

http://quechoa.info/2012/01/13/ti%E1%BB%81n-l%E1%BB%87-tien-lang/



ĐÀO TUẤN
Những tuyên bố từ phía chính quyền sau “Vụ án Cống Rộc” ở Tiên Lãng- Hải Phòng khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Cụ thể, người phát ngôn của chính quyền tuyên bố “Dứt khoát phải thu hồi” (diện tích đã cho nông dân Đoàn Văn Vươn thuê khi thời hạn thuê đã hết). Những tuyên bố này được khẳng định với tư cách “công bộc”, và nhân danh pháp luật.
Nhưng chính sự “nhân danh pháp luật” của các vị công bộc trong vụ án Cống Rộc đang đặt ra một “tiền lệ Tiên Lãng” cực kỳ nguy hiểm: Cứ hết thời hạn là chính quyền có quyền ra quyết định thu hồi, nhân danh pháp luật.
Ngày 27-9-1993, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, Chính phủ ban hành nghị định 64 quy định thời hạn giao đất 20 năm. Như vậy là chỉ hơn một năm nữa, tới 2013, sẽ có tới 1,2 triệu nông dân sẽ rơi vào “thân phận Đoàn Văn Vươn” khi Giấy chứng nhận QSDĐ chính thức hết hạn. Đến thời điểm này, chưa có một bộ ngành nào chính thức giải thích cho nông dân rõ: Họ sẽ tiếp tục được thuê đất, hay sẽ phải trả lại, để nhà nước chia lại như hồi 1993.
Năm 1993, người dân được giao đất theo hộ, theo từng nhân khẩu và theo hạn mức sào. Trung bình, mỗi hộ 2 khẩu thì được 2 sào, hộ 10 khẩu thì được 10 sào. Tại Hội thảo tổng kết 10 năm thi hành luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên có vẻ rất “đau đầu” trước thực trạng “Sau 20 năm, bây giờ gia đình 10 người có khi chỉ còn 2 nhưng gia đình 2 người lại thành 10 rồi”. Ông đặt câu hỏi: “Hai người vẫn giữ 10 sào? Bây giờ điều tiết lại bằng cách gì? Chia lại ruộng đất à? Khó lắm, làm sao chia lại được bây giờ. Mà nếu đã chia lại thì liên tục sẽ chia lại vì dân số liên tục thay đổi”.
Nhưng “sự đau đầu” đáng chú ý nhất của người làm chính sách là câu hỏi “Ra cơ chế gì đây?”.
Bộ chủ quản đất đai đau đầu, chính nông dân cũng có những ý kiến rất khác nhau. Kết quả khảo sát hơn 8.000 hộ dân tại 9 tỉnh vừa được Tổng cục Quản lý đất đai công bố hồi đầu năm nay cho thấy: 38% số người được hỏi muốn chia lại đất và 55% số người được hỏi lại chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng như hiện nay.
Những bất cập về “chiều dài 20 năm” được đề cập trên một tờ báo địa phương qua “tâm sự” của Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh (Diễn Châu- Nghệ An) Tăng Văn Thành: “Toàn xã hiện có khoảng 1.500 khẩu sinh sau thời điểm năm 1993 không được chia đất sản xuất, trong khi Diễn Hạnh là xã thuần nông, không có làng nghề hay việc khác để làm thêm. Rất bất cập là trong khi đó, nhiều hộ con cái đã thoát ly cả, chỉ còn hai ông bà già ở nhà nhưng vẫn không thu lại đất được. Bởi vậy, tình trạng luân chuyển, trao đổi hay thuê mướn đất trong nội bộ người dân là thực tế đang diễn ra một cách phổ biến”.
Một tờ báo khác, lại kể chuyện một “nông dân tiên tiến” tại Gia Lộc- Thanh Hoá, phải đi thuê mướn lại đất để có 27ha sản xuất “rau hàng hoá”. Cái thời hạn 20 năm khiến những người muốn đầu tư, đổ tiền vào làm giàu như anh chùn tay.
20 năm, đối với những người thiếu đất là quá dài. Nhưng lại quá ngắn đối với những nông dân thực sự muốn đổ tiền vào đất. Không ai biết được khi hết hạn thì nhà nước sẽ làm gì. Và câu hỏi “Cơ chế gì đây” của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho thấy ngay chính nhà nước giờ cũng chưa biết mình sẽ phải làm gì.
Theo Luật Đất đai, khi hết thời hạn thuê đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng. Nhưng quy định này đang giao cho chính quyền một thẩm quyền quá lớn: Quyền phán xét. Và “tiền lệ Tiên Lãng” đang cho thấy chính quyền hoàn toàn có thể thu hồi lại đất hết hạn thuê, theo luật, và có thể, hoặc không, xét cho thuê lại, sau khi đã thu hồi.
Hồi Quốc hội thảo luận luật Đất đai sửa đổi, TS Đặng Hùng Võ đã nêu ý kiến: Đầu tư cho nông nghiệp là một loại đầu tư có chu kỳ dài nếu muốn đầu tư đó mang lại năng suất và sản lượng rất cao. Bởi thời hạn sử dụng đất ngắn không thể khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Ông đề xuât: Có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý thời hạn sử dụng đất: một là thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 99 năm; hai là xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Tất nhiên, các nhà làm luật không nghe vì “có lý của riêng mình”. Và kết quả họ đã cho ra đời một bộ luật, cho đến nay, đã phải sửa đổi tới 3 lần. Hướng dẫn để có thể thực thi nó là khoảng 200 văn bản to nhỏ các loại. Ngay lãnh đạo Bộ chủ quản đất đai cũng từng thừa nhận “Không thể cập nhật hết được các văn bản hiệu lực”.
Đó là một bộ luật tồi.
Và sự tồi tệ nhất là ở chỗ ngay cả nhà nước cũng chưa biết phải làm sao khi thời hạn thuê đất, ấn định bằng một niên hạn có thời hạn để giữ đất thuộc “sở hữu toàn dân”- thực chất cũng là một hình thức sở hữu vô chủ, sẽ hết vào năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét