Phí được quyền mua xe máy, lại cho phép dùng
chung cư làm văn phòng, có chỗ đỗ mới được đăng ký ôtô... là những kiến
nghị lạ đời trong năm 2012. Đó cũng chính là những đề xuất bị phản đối
nhiều nhất.
Ban hành phí được quyền mua ôtô, xe máy
Mặc dù không thuộc
chức năng của mình, nhưng có lẽ do quá bức xúc về tình trạng ùn tắc giao
thông hiện nay mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có
văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, UB An
toàn giao thông quốc gia đề xuất ban hành phí được quyền mua ôtô, xe
máy.
Đề xuất của VAFI vấp phải sự phản đối
Theo VAFI, với các sắc
thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ
đặc biệt, nếu áp dụng hết khung cũng không thể ngăn chặn được tình trạng
nhập khẩu ngày càng gia tăng, nhất là đối với các loại ôtô, xe máy đắt
tiền, xa xỉ vì nó chưa thấm vào đâu đối với những người có thu nhập khá
và giàu.
Do đó, sử dụng công cụ
"Phí được quyền mua ôtô, xe máy" ở mức rất cao so với giá trị thị trường
của ôtô, xe máy như nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, Chính phủ
hoàn toàn kiểm soát được số lượng, cơ cấu phương tiện, giá trị nhập khẩu
theo từng thời kỳ. Ngoài ra, sử dụng các loại phí được quyền mua ôtô,
xe máy sẽ phân loại được đối tượng chưa phải thu, đối tượng phải thu,
đối tượng thu nhiều... và sẽ thu được 1 khoản tiền lớn dành cho phát
triển giao thông, đồng thời cũng có tác dụng điều tiết thu nhập.
Theo VAFI, với xe bình
dân (giá trị thấp nhất ) tương ứng với người có thu nhập thấp không thu
phí ở khu vực nông thôn, các thành phố nhỏ; xe bình dân với đối tượng sử
dụng ở các thành phố lớn thu phí ở mức độ thấp hoặc mức độ vừa phải để
từng bước khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công
cộng. Trong giai đoạn đầu có lẽ nên thiết kế ở mức thấp hoặc chưa thu để
không gây phản ứng nhiều và chính sách dễ ra đời hơn.
Với các loại xe đắt
tiền (giá trị gấp từ 3 lần trở lên so với xe bình dân), thu phí bằng từ 2
lần giá trị xe trở lên, xe đắt tiền gấp 5 lần xe bình dân thì phí thu
bằng 4 lần giá trị xe... Bằng phương pháp này, chúng ta có thể gần như
hoàn toàn ngăn chặn được việc sử dụng xe xa xỉ đắt tiền, có thể giảm 1/2
tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc .
VAFI coi đây là "biện
pháp thông minh" để giải quyết nạn tắc đường kinh niên. Tuy nhiên, Đề
xuất "lạ đời" này, ngay lập tức đã nhận được nhiều phản ứng từ cộng đồng
vì sự viện vông và thiếu cơ sở pháp lý.
Lại cho dùng căn hộ chung cư làm văn phòng
Cách đây 2 năm, Bộ Xây
dựng yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Khi đó,
Bộ Xây dựng cho biết, cần phải có sự chấn chỉnh lại trong sử dụng, quản
lý nhà chung cư, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng
của các khu chung cư, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt của
người dân trong các khu đó...
Thế nhưng mới đây, Bộ
Xây dựng lại làm dự thảo Thông tư, quy định việc sử dụng căn hộ chung cư
làm văn phòng, lại cho phép dùng chung cư làm văn phòng với mục đích
giao dịch.
Tuy có đặt ra điều kiện
như diện tích sử dụng bình quân phải bằng hoặc lớn hơn 8m2/người; hoạt
động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo
an toàn phòng cháy chữa cháy; việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có
sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà
của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất hai phần ba tổng số các chủ sở
hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó...
Việc chung sống với các
văn phòng tại chung cư rấ bất tiện. Việc sử dụng chung thang máy với
các nhân viên văn phòng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của
các gia đình. Giờ ăn trưa các nhân viên văn phòng thường gây ồn ào, mất
trật tự khiến người dân không thể nghỉ ngơi... Vậy nhưng thật khó hiểu
cho sự đảo chiều của Bộ Xây dựng đi ngược với việc trước đây đã cấm!
Đánh thuế xuất khẩu thép 3%
Bộ Tài chính trong năm
2011 đã từng đề xuất Chính phủ đánh thuế xuất khẩu thép lên 3% vì cho
rằng, thép lãi lớn nhờ giá điện thấp. Lý do Bộ Tài Chính nêu ra là lợi
nhuận của ngành thép có được là "do được hưởng lợi từ giá điện thấp
khoảng từ 10-15 USD/tấn" tức là khoảng 214.000 - 321.000đ/tấn tùy theo
công nghệ tiên tiến hay lạc hậu.
Số liệu này căn cứ vào
giá điện tính đủ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không lỗ là 1.777
đ/KWh, thay vì giá điện bình quân năm 2010 là 1.242 đ/KWh. Nghĩa là các
doanh nghiệp thép đang được mua giá điện rẻ tới 65%, lợi khoảng
535đồng/kWh so với mức giá điện mà đáng ra áp dụng để EVN không lỗ.
Theo Hiệp hội Thép, giá
điện hiện nay chỉ chiếm 5,14% giá phôi thép, 0,77% giá thép cán xây
dựng, 0,62% giá thép ống hàn, 0,65% giá thép mạ kim loại và 0,91% giá
thép cán nguội. Bên cạnh đó, với 5 chủng loại thì hiện nay, chỉ có phôi
thép là tiêu hao nhiều năng lượng nhất, tới 600kWh/tấn phôi, còn lại,
thép cán xây dựng là 100kWh/tấn, thép mạ là 120kWh/tấn và thép cán nguội
là 114kWh/tấn. Trong đó, tăng sản xuất phôi trong nước là chủ trương
của Nhà nước để giảm bớt phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài.
Tỷ lệ thấp như vậy nên
lãi trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp
mang lại kể cả khi đã tính đủ giá điện do EVN đề nghị.
Nếu so sánh giữa mức
thuế suất xuất khẩu thép 3% do Bộ Tài chính đề nghị với mức tăng giá
điện khi EVN tính đủ giá điện là 1.770 VNĐ/kWh thì phần tiền tăng lên
nhờ đánh thuế thép đã vượt xa so với mức bù giá do EVN đề nghị. Ví dụ
như, với phôi thép, nếu áp dụng giá điện tính đủ thì tiền điện thu thêm
được là 321.000 đồng/tấn nhưng nếu đánh thuế 3% xuất khẩu thì ngành thép
phải trả thêm tới 435.000 đồng/ tấn.
Thép xây dựng nếu áp
thuế xuất khẩu 3% thì sẽ phải chi thêm 480.000 đồng, trong khi nếu mua
giá điện tính đủ cho EVN, chỉ bỏ thêm 53.500 đồng. Tương tự, với sản
phẩm ống thép hàn, việc đánh thuế sẽ khiến các doanh nghiệp chi thêm
600.000 đồng nhưng nếu mua điện theo thị trường, chỉ phải bỏ thêm 53.500
đồng. Thép cán nguội cũng tương tự, áp thuế xuất khẩu phải tăng thêm
465.000 đồng/tấn trong khi nếu mua điện theo giá thị trường thì chỉ chi
thêm 60.990 đồng. Chênh lệch lớn nhất là thép mạ, trong khi đáng lẽ chỉ
mất 64.200 đồng tiền điện tăng thêm nếu giá điện tính đủ thì việc áp
thuế lại khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm tới 647.000 đồng/tấn.
Có thể nói, việc thu
thuế đã "chiếm dụng" chi phí của thép nhiều hơn so với việc mua điện.
Khoảng chênh này lên tới 114.000 đồng đến 609.000 đồng/tấn. Nếu đánh
thuế xuất khẩu sẽ làm các doanh nghiệp thép không ổn định được kế hoạch
sản xuất kinh doanh và làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và nước
ngoài vào ngành thép. Đề xuất này bị nhiều người cho là thiếu cái nhìn
tổng thể mà chỉ thiên về lợi ích 1 phía.
Có điểm đỗ mới cho đăng ký ôtô
Bộ trưởng Bộ Giao thông
Vận tải Đinh La Thăng mới đây có kiến nghị gửi Bộ Công an về việc
nghiên cứu giải pháp sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy
định chủ sở hữu xe ôtô cá nhân phải chứng minh có nơi đỗ phù hợp mới
được đăng ký xe. Đề xuất này của Bộ trưởng Thăng được đưa trong bối cảnh
vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM cần có những giải pháp cấp
bách và đồng bộ để giải quyết triệt để.
Bộ trưởng Thăng cho
rằng, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là do số lượng
xe ô tô cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM tăng rất nhanh. Nhiều chủ xe đã
chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng làm nơi đỗ xe riêng trái
quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng
chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng làm nơi đỗ xe cần quy định
chủ sở hữu ô tô cá nhân khi đăng ký xe phải chứng minh có nơi đỗ xe phù
hợp.
Đề xuất của Bộ trưởng
Thăng có nhiều ý kiến cho là không khả thi. UBND TP Hà Nội cũng đã từng
có quy định phải chứng minh có nơi đỗ xe khi đăng ký xe ô tô. Trong đó,
chủ xe là doanh nghiệp tư nhân, cá nhân, tổ chức thuộc diện đăng ký xe
biển màu trắng, phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn rằng có
nơi để xe hoặc có hợp đồng trông giữ xe từ một năm trở lên.
Tuy nhiên, quy định này
sau đó đã bị "lách" bằng những hợp đồng thuê điểm đỗ khống nhưng vẫn có
đầy đủ xác nhận của cơ quan chức năng như quy định. Có điểm đỗ có sức
chứa chỉ 20-25 ô tô nhưng đã xác nhận hợp đồng cho tới hơn 100 chiếc xe.
Hoặc có những ngôi nhà diện tích 25-30m2 vẫn được chính quyền sở tại
xác nhận là có ga-ra để xe.
Theo Trần Thủy
VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét