Chứng kiến nhiều cảnh chạy chữa vô sinh khốn khổ
mà không mang lại kết quả tốt đẹp nào, nhiều bà mẹ có con trai đến tuổi
lấy vợ rất lo lắng. Để giải quyết mối lo này, nhiều bà mẹ khuyến khích
con trai mình “thử trước”, tránh chuyện “tịt ngòi”.
Thả cửa “tẹt ga”
“Từ khi cảm thấy đã có
đủ điều kiện về kinh tế, đã sẵn sàng kết hôn, tôi và bạn gái quyết định
“thả cửa”, không cần gìn giữ như trước đây nữa. Chúng tôi xác định nếu
có bầu lúc nào thì chúng tôi cưới nhau lúc đó”, anh Toán, Kỹ sư xây dựng
tại Hà Nội chia sẻ.
Sự lựa chọn của anh Toán không phải không có lý do. Trên thực tế, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam rất cao và hiểu biết về sức khỏe sinh sản thì rất hạn chế.
Theo Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát
triển, năm 2006 Việt Nam nằm trong tỷ lệ Top 3 về nạo phá thai. Cuối năm 2010, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Nguyễn Viết Tiến, cho biết, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 8%. Tỷ lệ này có xu hướng gia tăng. Thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TPHCM) cho thấy, tần suất vô sinh là 10 - 15%. Nguyên nhân gây vô sinh đến từ vợ là 40%, từ chồng là 40%, từ cả hai vợ chồng là 10% và vô sinh không rõ nguyên nhân là 10%. |
Lại có những cặp đôi là
mối tình đầu của nhau, nhưng vì “kế hoạch” quá lâu nên khả năng có con
suy giảm. Bản thân người chồng cũng suy giảm khả năng có con do dùng quá
nhiều thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, ít vận động… Những vấn đề
này họ hoàn toàn không lường tới trước khi quyết định kết hôn. Vì thế,
hậu quả là sau khi cưới mà không có con, họ đã gặp quá nhiều áp lực.
Anh Toán khá may mắn
bởi sau khi “thả cửa” hơn 1 tháng thì bạn gái có bầu. Khác với quan niệm
cũ rằng có bầu trước khi cưới là cả một vấn đề nghiêm trọng, nay khi
được bạn gái thông báo có bầu, nhiều chàng trai đã vui mừng ra mặt!
Từ thời kỳ “không ai
nói đến sex”, đến nay có khá nhiều bạn trẻ chủ động có thai rồi mới về
“báo cáo” với hai bên gia đình, sau đó tính chuyện ăn hỏi, cưới xin.
Trong giai đoạn hiện nay, việc này không còn được coi là chuyện không
thể chấp nhận. Nhiều bậc cha mẹ, họ hàng cảm thấy khá thoải mái khi được
đón “cả trâu lẫn nghé”.
Thậm chí, có những bà
mẹ chồng tương lai một mặt khuyên con trai phải nghiêm túc trong các mối
quan hệ nhưng một mặt vẫn động viên con “thử” trước với người mà con
xác định sẽ lấy làm vợ. “Tôi sợ con trai tôi lấy vợ về rồi cả gia đình
cùng khốn khổ vì phải lo chữa vô sinh. Miễn là chúng yêu nhau và xác
định mọi chuyện nghiêm túc với nhau là được, đằng nào chúng cũng về
chung sống với nhau”, bác Nguyễn Kim Chi (50 tuổi, sống tại quận Đống Đa
- Hà Nội), cho biết quan điểm của mình về vấn đề này.
Ngay cả những bà mẹ có
con gái ngày nay cũng cho rằng con gái nếu yêu thương và nghiêm túc với
bạn trai cũng nên “thử trước” để đảm bảo “súng ống” của người yêu không
bị “điếc”, tránh gây ra những phiền phức về sau.
Cách ứng xử này khá dễ
hiểu khi thực tế đã có nhiều gia đình khốn đốn vì chạy chữa vô sinh. Tại
các bệnh viện phụ sản, có những trường hợp đã tốn đến hàng trăm triệu
đồng để có được một đứa con, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Trong số những trường hợp vô sinh, có những người vô sinh tự nhiên nhưng
có không ít bạn trẻ vô sinh do lối sống trong quá khứ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng
Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia
đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Việc quan hệ tình dục bừa
bãi, thiếu kiểm soát trong bối cảnh kiến thức về sức khỏe giới tính gần
như mù tịt đã đẩy tình trạng lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, tình
trạng nạo phá thai trong giới trẻ (đặc biệt là sinh viên, học sinh) lên
mức báo động”. Chưa kể có những cặp đã vài lần đưa nhau đi “giải quyết
hậu quả” trong thời gian yêu. Đến lúc muốn có con thì hệ thống sinh sản
của người phụ nữ đã bị tàn phá nặng nề sau những lần nạo, hút hoặc sử
dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá liều lượng cho phép…
Tích cực hay tiêu cực?
Nói về hiện tượng “tậu
cả trâu lẫn nghé” hiện nay, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà
cho rằng, đây là một sự thay đổi của xã hội, thể hiện sự tôn trọng quyền
cá nhân nhiều hơn, không quá lệ thuộc vào dư luận.
Điều này cũng cho thấy quan niệm kết hôn là phải có con ở Việt Nam
vẫn còn rất nặng nề. Nhiều gia đình đang chung sống hạnh phúc, nhưng
đến khi phát hiện không có con thì đại đa số là khó gắn bó tiếp nữa.
Thậm chí, nhiều người
còn cho rằng kết hôn mà không sinh con chẳng khác nào cây không có quả.
Vì thế, việc “thử trước” trước khi kết hôn tuy không được “cổ súy” theo
hướng quan hệ dễ dãi, bừa bãi, nhưng lại đang là sự lựa chọn của những
cặp đôi thực sự có ý định nghiêm túc, lâu dài với nhau.
Và điều thuận lợi là
đại đa số họ cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các bậc phụ huynh
hoặc họ hàng, làng xóm, anh em, bạn bè.
Tuy đảm bảo một “kết
quả chắc chắn” nhưng việc này cũng sẽ mang lại những hệ lụy tiêu cực hơn
là tích cực. Theo ý kiến chuyên gia: “Nếu đã là vợ chồng, khi cảm thấy
khó có con, các đôi cũng thường cùng nhau cố gắng đi khám chữa để tìm ra
nguyên nhân và cách chữa trị. Còn nếu chỉ là yêu đương, nhất lại là
những tình yêu chưa đủ lớn, người ta có thể sẽ bỏ cuộc ngay sau một thời
gian “thử” mà không thấy kết quả, trong khi rất có thể lý do là từ phía
người chủ động gây ra. Và khi đó, “nửa kia” sẽ bị tổn thương và thiệt
thòi rất lớn”.
Chuyên gia chia sẻ
thêm: “Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho cả hai là cách tích cực
hơn mà các bạn trẻ có thể thực hiện để chuẩn bị bước vào cuộc sống gia
đình, biết được “tiềm năng” hay “nguy cơ” của cả bản thân và bạn tình.
Nếu kết quả tốt, hai người có cơ hội sinh con cao và không phải lo lắng
nhiều.
Nếu kết quả không tốt,
cả hai thẳng thắn đối mặt xem có thể cùng nhau tiếp tục cố gắng, tìm
cách khắc phục hay chấm dứt. Như vậy, sẽ tích cực hơn là dùng phép thử
để quyết định sẽ lấy hay bỏ nhau”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét