Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

http://vov.vn/Home/Cai-cach-giao-duc-nen-bat-dau-tu-dau/201112/194464.vov



Làm sao để có một đội ngũ nhà giáo chất lượng đang là vấn đề khó khi khâu đào tạo giáo viên trong hệ thống các trường sư phạm đang còn nhiều bất cập.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ thấp hơn?
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước từng nói: “Đến giờ, chẳng những chúng ta lo về chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có mà nhìn về tương lai, rất có thể chất lượng đội ngũ nhà giáo còn thấp hơn nữa nếu không có những giải pháp đúng và thực hiện một cách quyết liệt. Điều khiến tôi cũng như cán bộ, giảng viên trăn trở là, nội dung đào tạo nghề nghiệp ở các trường sư phạm rất mờ nhạt. Các trường sư phạm đang thực sự bất cập trong việc bồi dưỡng cho giáo sinh về năng lực giáo dục trẻ em vì các bộ môn tâm lý, giáo dục học, phương pháp học còn bị hạn chế cả về thời lượng và chất lượng. Đồng thời, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập. Nếu trường sư phạm không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của một trường nghề làm sao có thể đào tạo ra những nhà chuyên nghiệp trong nghề thầy?”. 
Theo PGS-TS Trần Hữu Tá - nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cách đây 3 thập niên, hệ thống các trường sư phạm được “đẻ” ra ào ạt thì đến nay số đông lâm vào tình trạng “suy dinh dưỡng” là vì việc “chăm nuôi” quá kém. Cơ sở, phòng ốc của nhiều trường Cao đẳng Sư phạm tồi tàn, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên được tập hợp thiếu chọn lọc…

Cần sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm
Ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nêu, thực tế hiện nay khâu đào tạo của các trường sư phạm có nhiều “vấn đề”. Về mặt quản lý, chúng ta cần phải đưa ra tiêu chí để giáo viên đào tạo ra sao.
Hiện nay, giáo sinh học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Đây chính là lỗi của khâu đào tạo. Bên cạnh đó, nguyên nhân không kém phần quan trọng là “đầu vào” của ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn tiếp tục thấp thê thảm, thậm chí có những thí sinh trúng tuyển nhưng có môn chỉ đạt 1 điểm…
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Chất lượng đào tạo của nhiều trường sư phạm hiện chưa được cải thiện nhiều, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Đội ngũ giảng viên sư phạm còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, tỷ lệ tiến sĩ trong các trường CĐ sư phạm, ĐH, sư phạm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học; do đó chưa tạo nên đột phá về chất lượng đào tạo.
Hai trường ĐHSP trọng điểm vẫn chưa được đầu tư. Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tiễn về số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo ở mỗi địa phương, vùng miền.
Cần tự chủ về nội dung, chương trình
Theo GS.TSKH Vũ Ngọc Hải - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cả nước có 134 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cần cải cách hệ thống các trường sư phạm theo hướng giao quyền tự chủ và tính trách nhiệm cao về nội dung, chương trình, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đặc biệt về phẩm chất, năng lực sư phạm, sử dụng được ngoại ngữ, có trình độ tin học. Tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo về số lượng, phù hợp về cơ cấu, chất lượng theo chuẩn và trên chuẩn. Tập trung đầu tư phát triển các trường sư phạm trọng điểm, các trường ĐH sư phạm kỹ thuật và các khoa sư phạm kỹ thuật tại các trường đại học.
>> GS-TSKH Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục TP HCM:Mọi cuộc cải cách giáo dục nếu không bắt đầu từ các trường sư phạm thì sẽ kém hiệu quả; phải xem đầu tư cho các trường sư phạm là đầu tư cho cải cách giáo dục chứ không phải đầu tư cho ĐH, CĐ bình thường. Nếu giáo dục không phải là hàng hóa thì đào tạo giáo viên càng không thể là lĩnh vực mang tính chất thị trường.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ kiến nghị: Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục. Thời gian tới phải tiếp tục nghiên cứu mô hình trường hoặc khoa sư phạm cho giai đoạn 2010-2020, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế. Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành sư phạm. Thời kỳ hội nhập quốc tế, chúng ta phải phát triển ngành sư phạm tiên tiến, hiện đại và chuẩn hóa để thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục. Cần tạo sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo./.
Thu Hằng/Báo TNVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét