Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

EVN và những con số gây “sốc” của Kiểm toán Nhà nước

http://vov.vn/Home/EVN-va-nhung-con-so-gay-soc-cua-Kiem-toan-Nha-nuoc/201112/194843.vov





Thu nhập bình quân ở công ty mẹ – EVN là 13,7 triệu đồng; Thua lỗ, nợ nần chồng chất do đầu tư ngoài ngành...

 
Câu chuyện về mức lương ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại “nóng” lên trên diễn đàn báo chí khi kết quả kiểm toán cho thấy, lương ở một số bộ phận của EVN cao hơn nhiều mức bình quân 7,3 triệu đồng/tháng.
 
Cụ thể, thu nhập bình quân ở công ty mẹ – EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
 
Còn nhớ hôm 19/11, sau khi ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN công bố mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng tại một cuộc họp báo và đồng thời có một nhận xét: “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là Tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”.
Đã có rất nhiều phản hồi của bạn đọc cho rằng, mức lương bình quân ở Tập đoàn này là niềm mơ ước của họ. Cùng với những phản hồi này, trên diễn đàn báo chí có không ít nhân viên ngành điện lực thanh minh về thu nhập để họ không phải tiếp tục sống trong cảnh “có tiếng mà không có miếng”…

Bạn tran dinh phuong -  phuongtd@yahoo.com.vn phản hồi sau bài viết Thu nhập 7,3 triệu đồng ở EVN - mơ ước của nhiều người! trên VOVonline: “Tôi là một trưởng ca điều hành lưới điện tại một cơ sở Điện lực, tôi có thâm niêm 5 năm trong nghề, lương cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Tôi cảm thấy rất oan uổng khi bị dư luận chỉ trích và bị ông Tổng giám đốc EVN bắt "san sẻ" gánh lương chia trung bình. Thực tế, theo tôi được biết, lương công nhân ngành điện không hề cao, kể cả được phụ cấp như Bộ trưởng Hoàng giải trình. Sở dĩ có mức trung bình tới 7,3 triệu/tháng là do thu nhập lãnh đạo thuộc hàng “khủng””.
“Tôi 17 năm công tác trong ngành điện, bây giờ một tháng lĩnh được 4tr7 thôi. Còn những người mới làm 5-6 năm thì có 2,7-3tr thôi. Thật tội nghiệp, có tiếng mà chẳng có miếng. Đừng nói nữa thêm buồn” - tran van hai:tranhai.ha2011@gmal.com phân trần.
Thật may, sự “oan ức” của họ đã được Kiểm toán Nhà nước minh oan. Cùng các con số đã nêu ở trên, Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ tập đoàn EVN như vậy là chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Vì thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ EVN đã cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.

“Chuyện tiền lương chỉ là vấn đề bé tí”

Ông Trần Xuân Giá- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây trả lời phỏng vấn của VOVonline cho rằng, “Lương ở đây chỉ là một vấn đề “bé tí”… Chi phí lao động, tiền lương trong chi phí sản xuất ra điện trong giá thành điện chiếm không đáng bao nhiêu. Giờ đây EVN phải làm thế nào để giảm tiêu hao nhiên liệu, vật tư để sản xuất điện… Chi phí vật chất chiếm tỷ lệ áp đảo trong giá thành điện.. Cái cần ở đây là nâng cao năng suất lao động của ngành điện”.
TS Trần Du Lịch khi nói về sự minh bạch trong các khoản tài chính của EVN cũng cho rằng: “Thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính”.
Theo ông Trần Du Lịch, lâu nay EVN chểnh mảng lĩnh vực chính của mình, đầu tư quá nhiều lĩnh vực và đang thua lỗ. “Nếu như minh bạch hóa toàn bộ hoạt động EVN, cái gì lỗ thực sự do bao cấp giá thì người tiêu dùng sẽ chia sẻ, nhân dân chia sẻ. Còn bây giờ nhập nhằng, anh làm cả viễn thông, tài chính, ngân hàng... rồi báo lỗ là không công bằng, không minh bạch” – ông Trần Du Lịch nói.

Thua lỗ, nợ nần chồng chất do đầu tư ngoài ngành, quản lý yếu

Việc phê phán EVN trong khi đang thiếu vốn đầu tư cho sản xuất điện thì lại đem vốn đầu tư ngoài ngành càng có cơ sở nếu nhìn vào số liệu kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, lợi nhuận mà EVN được chia từ các khoản đầu tư bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính trong năm 2010 chỉ hơn 160 tỉ đồng, chiếm trên 30% so với tổng lợi nhuận được chia, đạt hơn 7,8% so với giá trị đầu tư vốn vào các lĩnh vực này (trên 2.100 tỉ đồng).
Vốn EVN đầu tư ra ngoài dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn chủ sở hữu (3,27%) nhưng nó đã cho thấy sự phiêu lưu của lãnh đạo EVN trong bối cảnh các thị trường này có những khó khăn làm hiệu quả đầu tư đồng vốn xuống thấp.
Hay trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù rót tới 2.442 tỉ đồng vào công ty EVN Telecom nhưng kết quả kinh doanh của công ty này liên tục đi xuống từ năm 2008 – 2010 mà cao điểm là khoản thua lỗ trên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Đây là một nguyên nhân buộc EVN phải thoái vốn, chuyển sở hữu cho tập đoàn Viettel vừa qua.
Qua cuộc kiểm toán này, người ta phát hiện lãnh đạo EVN khi điều chuyển một khoản chi phí trên 1.000 tỉ đồng cho một số tổng công ty điện trực thuộc EVN. Việc này được đánh giá thực chất là chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom cho các tổng công ty điện lực, trái với quy định về quản lý tài chính trong điều lệ tổ chức và hoạt động do chính EVN xây dựng từ năm 2007.
Cũng theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng (chưa bao gồm các khoản đầu tư cho vay lại hàng chục ngàn tỉ đồng khác), trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công ty; số đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết chỉ trên 5.000 tỉ đồng chiếm trên 10% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, lợi nhuận đầu tư của khoản tiền gần 50.000 tỉ đồng đó rất thấp. Số lợi nhuận thu được chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
Lợi nhuận của EVN được chia từ sản xuất, kinh doanh điện là trên 360 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 67,7% với tổng lợi nhuận được chia. Nhưng tỷ lệ trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,8% so với giá trị đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh điện.
Với một tập đoàn lớn như EVN, việc vay nợ lớn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng có thể hiểu nhưng nhìn vào các chỉ tiêu vay, trả nợ cho thấy tình trạng mất cân bằng trong tài chính của tập đoàn này: tỷ lệ nợ phải trả cao hơn bốn lần nguồn vốn chủ sở hữu, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trông chờ bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (hơn 70%).
Tình trạng kéo dài nợ, chiếm dụng vốn của EVN, như riêng tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Than khoáng sản đã hơn 10.000 tỉ đồng tính đến 30.6.2011. Mà không chỉ ở EVN, ở một số công ty thành viên như công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng, công ty TNHH một thành viên nhiệt điện Uông Bí… tình trạng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao, thường trên ba lần đã vượt quá mức giới hạn quy định trong nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ là rất đáng báo động.
Ngoài ra, việc để tình trạng thua lỗ kéo dài, cho dù có những nguyên nhân khách quan nhưng với số lỗ luỹ kế đến hết năm 2011 lên tới trên 35.000 tỉ đồng như bộ Tài chính đã công bố trước Quốc hội càng đẩy tài chính của EVN vào khó khăn.
Kết quả kiểm toán cũng đã cho thấy, với số lỗ lớn như năm 2010 trên 8.400 tỉ đồng đã khiến EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu./.

Nhân Trí/VOVonline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét