Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Tăng giá điện 5%: Mập mờ và thiếu căn cứ

http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tang-gia-dien-5-map-mo-va-thieu-can-cu-c46a425213.html

Phân tích các quy định của QĐ 24/2011 cho thấy có sự mập mờ và thiếu căn cứ. Liệu EVN đã cố tình "lách luật" để tăng giá?

Với việc bất ngờ tăng giá điện 5% từ 20-12, tưởng như EVN đã áp dụng thẩm quyền điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24/2011 của Chính phủ. Tuy nhiên, phân tích các quy định của Quyết định 24/2011 cho thấy có sự mập mờ và thiếu căn cứ. Liệu EVN đã cố tình "lách luật" để tăng giá?

"Né" thẩm tra của Bộ Tài chính
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay EVN muốn tăng giá điện, nhưng lần gần đây nhất (tháng 11), việc tăng giá điện đã bất thành do thiếu sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

Đến lần tăng giá ngày 20-12, EVN chỉ tăng giá 5% và dường như doanh nghiệp này đã áp dụng một điều khoản của Quyết định 24, cho phép "vắng mặt" sự thẩm định của Bộ Tài chính trong quyết định tăng giá. Cụ thể, tại Điều 5 Quyết định 24 quy định 2 trường hợp tăng giá:

Thứ nhất, trường hợp 3 yếu tố đầu vào cơ bản biến động làm tăng giá bán 5%, EVN được tăng giá khi báo cáo và có thẩm định của Bộ Tài chính; Thứ hai, trường hợp 3 yếu tố đầu vào cơ bản biến động làm tăng giá trên 5% thì EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và thông qua sự thẩm định của Bộ Tài chính.
Ba thông số đầu vào cơ bản tại Quyết định 24 gồm: Giá nhiên liệu; Tỷ giá hối đoái; Cơ cấu sản lượng nguồn phát. Nhưng điểm đáng chú ý ở đây là nếu chỉ căn cứ vào những số liệu mà Bộ Công Thương công bố, người ta sẽ không thấy cơ sở cho việc tăng giá bán điện 5% ngày 20-12.
Căn cứ vào các Phụ lục tại Thông tư 05 và Thông tư 42 của Bộ Công Thương, hướng dẫn thực hiện giá bán điện qua 2 lần điều chỉnh trong năm 2011 (lần 1: ngày 1-3-2011 và lần 2: ngày 20-12-2011) người ta không thấy có sự tương ứng nào giữa mức tăng giá điện 5% và thay đổi của các thông số đầu vào cơ bản.

Cụ thể: Tỷ giá hối đoái tăng 6,84%; Giá than bán cho điện không đổi; Giá các loại dầu, khí cho phát điện tăng từ 28,57% đến 33,87%.

Sự thay đổi 3 thông số đầu vào cơ bản trên là yếu tố quyết định cho việc EVN có được tăng giá bán điện hay không và mức tăng bao nhiêu, bởi tại Khoản 1, Điều 4 của Quyết định 24 ghi rõ: "Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định".

Lập lờ "lách luật"!
Chiều 22-12, trao đổi qua điện thoại với PV, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi: "Phải chăng Bộ Tài chính đã không được thông qua thẩm định trong quyết định tăng giá điện từ ngày 20-12". Bà Mai chỉ trả lời ngắn gọn: "Người ta (EVN- PV) tăng có 5% thì thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Cái đó họ có văn bản sang Bộ Công Thương. Trong trường hợp tăng giá trên 5% thì mới báo cáo".
Cả thông báo về điều chỉnh giá điện của EVN lẫn trong các văn bản của Bộ Công Thương, sự thay đổi của 3 thông số đầu vào cơ bản, cơ sở quan trọng cho quyết định điều chỉnh giá đều không được thể hiện.

Thông cáo báo chí về điều chỉnh giá điện của EVN chỉ ghi vắn tắt: "Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức thực hiện điều chỉnh giá điện theo các quy định hiện hành. Việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện".
Còn trong Thông tư 42 hướng dẫn thực hiện giá bán điện ngày 19-12, cũng không có bất cứ thông tin nào về sự thay đổi cơ cấu sản lượng nguồn phát và sự thay đổi 2 thông số còn lại là Tỷ giá và Giá nhiên liệu làm luận chứng cho việc tăng giá 5% từ ngày 20-12.

Quyết định 24/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã trao một thẩm quyền quyết định giá lớn cho EVN. Và để tránh khả năng lạm dụng quyền định giá này, Quyết định cũng có những điều khoản ràng buộc.

Cụ thể: Trong một năm tài chính, giá chỉ có thể thay đổi khi 3 thông số đầu vào cơ bản thay đổi; Tăng giá trên 5% phải có sự thẩm định của Bộ Tài chính và phê duyệt của Thủ tướng; Các thông số đầu vào khác ngoài các thông số trên chỉ được xem xét khi có quyết toán, kiểm toán.

Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 4, Quyết định 24 còn có quy định: "Việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội".

Như vậy, việc tăng giá điện 5% ngày 20-12 chưa đảm bảo yêu cầu của Chính phủ "công khai, minh bạch". Nếu việc tăng giá điện lần này "trót lọt" thì nó có thể tạo ra một tiền lệ xấu. Khi đó, một quy định khác tại Quyết định 24 cũng có nguy cơ bị lạm dụng, đó là quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng".

Thanh tra việc chi trả tiền lương tại EVN
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho biết sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo kết quả kiểm toán được công bố thì thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN năm 2010 là 13,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng, khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ, tương đương trên 30 triệu đồng/người/tháng. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét