Giá điện sản xuất ở Việt Nam rẻ hơn 15% so với các nước trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp FDI nhân cơ hội cán thép để xuất khẩu... Vì thế, cần một khung giá điện có sự phân hóa mạnh mẽ hơn.
Mua đắt bán rẻ và lỗ to
Theo Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam Alain Cany, năng lượng tại Việt Nam còn tương đối rẻ khi so sánh với thị trường thế giới và khu vực. Mức giá bán lẻ trung bình hiện tại là 1250 đồng/kWh (6,2 cent USD/kWh). Giá điện nên tăng đến mức bền vững và mức giá sẽ tăng đáng kể so với mức giá hiện tại. "Kế hoạch dự tính mức 8-9 cent USD/kWh trong Quy hoạch tổng thể lần 7 là một bước định hướng đúng đắn nhưng chúng tôi kiến nghị thực hiện một phân tích cẩn thận hơn nữa để quyết định đấy có phải là mức phù hợp không khi xét trên tổng thể. EVN thậm chí đang bán điện giá rẻ hơn giá điện mua về để cung cấp cho thị trường trong nước” – ông Cany nói.
Với khung giá điện như hiện nay, ai cũng nhận được ưu đãi của EVN. |
Về khung giá điện, ông Cany cho rằng: "Hiện nay đã có nhiều mức giá bán điện áp dụng cho doanh nghiệp, hộ tiêu dùng… Tuy nhiên, giá điện cho sản xuất vẫn còn thấp, khoảng 15% so với các nước xung quanh. DN châu Âu đã sẵn sàng chấp nhận mua điện với giá cao hơn để sản xuất”.
Trao đổi với VOV Online về vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, khung giá điện chúng ta đang áp dụng thì không thể nào kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia sản xuất điện. Đã có nhiều nhà đầu tư vào rồi lại quay ra vì cảm thấy không kham nổi.
Ông Vũ Khoan cũng lấy một dẫn chứng về nhà máy điện Hiệp Phước. Nhà máy này được xây dựng để phục vụ cho KCN Tân Thuận. Tuy nhiên, do không sử dụng hết công suất nên mới bán ra ngoài. Để mua được điện của Hiệp Phước chúng ta đã phải tốn khá nhiều thời gian để thương thảo nhưng cuối cùng phải chấp thuận mua điện với giá cao hơn để phục vụ cho nhu cầu điện trong nước và phải bán lại với giá thấp hơn giá mua.
“EVN muốn bán điện thì phải xây nhà máy điện. Với chính sách về giá điện của Việt Nam như hiện nay thì EVN không kham nổi vì không tìm được vốn cho các dự án mà Nhà nước giao” – chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nêu rõ hơn.
Cần khung giá điện hợp lý hơn
Trở lại với việc trợ cấp giá điện, theo ông Alain Cany, chỉ nên dành cho người nghèo và những người trong các chính sách đặc biệt của Chính phủ. Tính phí những người sử dụng dựa trên mức tiêu thụ thực tế của họ nên được cân nhắc, có thể là trong một hệ thống sẽ gồm giá bán lẻ và bán buôn, cả giá cao trong các thời gian tiêu thụ cao điểm và giá thấp trong thời gian tiêu thụ thấp (buổi đêm).
Chúng ta đang bao cấp giá điện bởi khung điện đặt ra cực kỳ vô lý: 50 số đầu, 50 tiếp theo… Nhưng ở Việt Nam đâu phải mọi người đều nghèo.
“Chúng ta cần phân ra mấy triệu hộ nghèo để hỗ trợ trực tiếp cho họ chứ tại sao phải bao cấp điện cho những người uống rượu wishky, đi xe Mercedes… Phải phân biệt thế nào là trợ cấp cho người nghèo và thế nào là giá thị trường để ngành điện phát triển. Nhà nước không đủ sức bao cấp điện cho cả ngành kinh tế thì phải nhanh chóng tổ chức một cơ chế thị trường và hỗ trợ những hộ nghèo cho hợp lý. Việt Nam đang trợ cấp cho cả những DN FDI vào để dùng điện Việt Nam vì rẻ hơn nước khác, nhất là các dự án cán sắt, thép,… Với giá điện hiện nay thì cán sắt ở Việt Nam lợi hơn ở các thị trường khác. Tại sao chúng ta lại bao cấp những nhà đầu tư nước ngoài vào “ăn điện?”” – ông Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi.
Quy hoạch tổng thể lần 7 khẳng định giá điện sẽ được điều chỉnh dần dần để đạt mức chi phí biên về dài hạn cho hệ thống điện đến năm 2020, tương ứng với 8-9 cents USD/kWh. Theo Eurocham, đây là một mức trung bình thực tế hơn mức hiện tại (giả sử mức giá này được áp dụng trong năm 2011 nhưng liệu nó có tương xứng hay không điều đó lại phụ thuộc vào giá nhiên liệu).
Tuy nhiên, theo ông Alain Cany, điều không rõ ràng là chính xác giá sẽ tăng giá lên bao nhiêu để phân bổ cho việc sản xuất điện.
Eurocham cho rằng, điều quan trọng để nhận ra là các nguồn điện mới sạch hơn sẽ thường phải trả chi phí cao hơn 8-9 cents/kWh, Điều đó có nghĩa là các cơ chế giá cụ thể sẽ cần được phát triển để bù cho các dự án mới sử dụng các nguồn trên.
Về việc tăng giá trong tương lai, Chính phủ cũng đã ban hành hướng dẫn mới để khuyến khích thích hợp cho các dự án điện đã được liệt kê trong Tổng sơ đồ 7 và được thực hiện theo Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Để thị trường điện hoạt động minh bạch hơn, ông Alain Cany kiến nghị cần thiết lập một cơ quan mới, hoạt động theo cơ chế “một cửa’ để khuyến khích và tạo thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong ngành điện phù hợp Quy hoạch tổng thể 7 và tuân theo qui luật cung-cầu. Cơ quan mới cần phải bao gồm những đại diện có kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp từ trong và ngoài chính phủ và sẽ p hải có quyền lực yêu cầu EVN thống nhất các mức giá phù hợp cho các nhà sản xuất điện độc lập (IPPs) mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét