Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Người đứng đầu chống tham nhũng còn chưa “nhiệt tình”

http://dantri.com.vn/c20/s20-542743/nguoi-dung-dau-chong-tham-nhung-con-chua-nhiet-tinh.htm


Đã có 3 trường hợp bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; 9 cá nhân, người đứng đầu bị phê bình do chậm tổ chức, thực hiện việc kể khai. Người đứng đầu công tác phòng chống tham nhũng cũng chưa “nhiệt tình” vào cuộc.
Đó là những nội dung được đưa ra trong đối thoại về phòng, chống tham (PCTN) nhũng lần thứ 10 với nội dung “Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ đối thoại về PCTN với công tác PCTN của Việt Nam”, được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.
Kỷ luật 3 cán bộ vi phạm quy định kê khai tài sản
Tại cuộc đối thoại, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN Cấn Đức Quyết cho hay, một trong những nội dung quan trọng của phòng ngừa tham nhũng là kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ đã có tiến bộ rõ rệt. “Đến nay đã có 13 bộ, ngành cơ quan Trung ương và 11 địa phương báo cáo hoàn thành 100% việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2010, các cơ quan và địa phương khác gần 100% với hớn 135.000 cán bộ kê khai lần đầu, 585.000 cán bộ kê khai bổ sung”, ông Quyết cho biết.


Đại diện nhiều đại sứ quán cho rằng Việt Nam cần phải quyết liệt trong việc giảm tham nhũng trong đầu tư công
Ông Quyết cũng có hay đến nay có 3 trường hợp bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; 9 cá nhân, người đứng dầu bị phê bình do chậm tổ chức, thực hiện việc kể khai. Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2011, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ với hơn 600 bị can liên quan đến các hành vi tham nhũng.
Đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cho rằng, trên một số lĩnh vực tham nhũng đã được kiềm chế, đơn thư khiếu kiện và số vụ vi phạm có xu hướng giảm. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều mặt yếu kém. Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được bổ sung sửa đổi dẫn tới hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện, sự gương mẫu của người đứng đầu trong công tác PCTN còn yếu.
Ngoài ra, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan còn rất hạn chế, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, một số vụ việc kéo dài, gây tâm trạng hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật…
Dự án từ Trung ương đến địa phương đều “khiếm khuyết”
Tại phiên đối thoại sáng nay, nhiều đại biểu của các đại sứ quán, nhà tại trợ đưa ra nhiều ý kiến, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao tính minh bạch và thực thi minh bạch tại Việt Nam. Đại sứ quán Thụy Điển và New Zealand cho rằng, cần nhấn mạnh sự tham gia của các tổ chức dân sự vào công cuộc PCTN. “Việt Nam cần vạch ra chiến lược ưu tiên trong 5 năm tới về PCTN trong đó phải đẩy mạnh tính minh bạch, ưu tiên sự tham gia của các tổ chức dân sự, gần dân hơn”, đại diện Đại sứ quán New Zealand nói.
Đại diện Đại sứ quán Canada lo ngại về quyền tiếp cận thông tin của người dân và báo chí với vấn đề PCTN. “Quyền tiếp cận thông tin phải là quyền đương nhiên chứ không phải là một đặc ân cho người dân. Việt Nam phải đưa ra các hành động cụ thể chứ không phải chỉ là những lời nói”, vị Đại sứ quán Canada nói và cho rằng, người dân vẫn còn lo ngại về tình trạng tham nhũng chưa giảm bớt.
Đại diện Ngân hàng Châu Á tại Việt Nam chỉ thẳng ra hai vấn đề PCTN cần tập trung trong thời gian tới. Đó là giảm tham nhũng trong đầu tư công và giảm tham nhũng trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Vị đại diện cho rằng, tỷ lệ đầu tư công của Việt Nam cao chiếm khoảng 45% GDP. “Tham nhũng đã tác động tới đầu tư công từ lúc lập dự án tới khi triển khai dự án. Đánh giá của chúng tôi cũng cho hay, các dự án từ trung ương tới địa phương đều có khiếm khuyết, thông đồng nhau trong đấu thầu. Việt Nam đang thực hiện cắt giảm đầu tư công nhưng tôi cho rằng phải giảm tham nhũng trong đầu tư công”, đại diện Ngân hàng Châu Á tại Việt Nam nói.
Vị này cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành không có kinh nghiệm để kiếm lợi trong ngắn hạn như trường hợp của Tập đoàn Vinashin. Vì thế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm tham nhũng ở đây sẽ góp phần duy trì phát triển bền vững.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương PCTN Nguyễn Đình Phách khẳng định, công tác PCTN giai đoạn tới sẽ tập trung vào hành động tổ chức tốt các biện pháp đã có và nâng cao minh bạch, công khai được coi là nội dung quan trọng nhất.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các kỳ đối thoại đã có những tác động tích cực tới việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Còn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, sau đối thoại lần này sẽ tập trung tổng kết 5 năm thực hiện luật PCTN tiến hành sơ kết thực hiện nghị quyết TW 3 khóa 10 đồng thời sơ kết thực hiện công ước của Liên hợp quốc về PCTN. Thứ 2 là hoàn thiện cơ chế, tuyên truyền rộng để người dân, tổ chức xã hội tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn trong công tác PCTN.
Quang Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét