Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Sự thật sau tranh cãi về lương của EVN

http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/su-that-sau-tranh-cai-ve-luong-cua-evn-c46a418793.html


Điều khiến dư luận bức xúc hơn chính là việc EVN luôn biện hộ mình phải bán dưới giá thành, nên lỗ là lỗi của xã hội. Trong khi đó, những thiệt hại do dự án chậm tiến độ, thất thoát do các chi phí bất hợp lý, và thậm chí cả câu chuyện lương thưởng và bộ máy cồng kềnh của EVN... thì họ lờ tịt đi.



Câu chuyện tiền lương của EVN đang là chủ đề nóng. Mối bất bình của dư luận bấy lâu nay với ngành Điện và bài ca kêu lỗ của họ qua dịp này đã bùng nổ. Tuy nhiên, nhìn nhận lại một cách bình tĩnh, đó chỉ là một khía cạnh của "vấn đề".

Điều khiến dư luận bức xúc hơn chính là việc EVN luôn biện hộ mình phải bán dưới giá thành, nên lỗ là lỗi của xã hội. Trong khi đó, những thiệt hại do dự án chậm tiến độ, thất thoát do các chi phí bất hợp lý, và thậm chí cả câu chuyện lương thưởng và bộ máy cồng kềnh của EVN... thì họ lờ tịt đi. Và sau đó hạch toán nó thành một cục nợ hơn 10 nghìn tỷ đồng riêng năm 2010, và bảo rằng "đương nhiên sẽ tính vào giá điện" - đồng nghĩa với việc đương nhiên tính lên đầu người dân?

Nhìn lại câu chuyện lương cao của EVN


Để hiểu hơn bản chất câu chuyện tiền lương của EVN, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia về lương, và cũng đã làm nhiều so sánh với các ngành lao động khác.

Theo quy định, ngoài bảng lương do Chính phủ đưa ra, tiền lương thực tế của người lao động gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy việc EVN công bố mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng trong thời điểm đang công bố bị lỗ 10.000 tỷ đồng có hợp lý?

Trao đổi với phóng viên chiều 23-11, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bà không bình luận gì về vấn đề lương cao hay thấp của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra quan điểm dựa trên tính chất đặc thù của ngành Điện. Theo bà Minh, điện là ngành kinh tế trọng yếu, đòi hỏi về trình độ, kỹ thuật và là ngành nặng nhọc, độc hại đặc biệt.

Mặt khác, lao động ngành Điện yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, nếu không sẽ gây tổn hại lớn. Điều này có thể thấy rõ ở những vụ tai nạn của ngành điện như trường hợp mới đây nhất 6 công nhân lắp cột điện ở Thanh Hóa thiệt mạng do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nếu ngành Điện không xây dựng được cơ chế trả lương thỏa đáng thì làm sao thu hút được lao động có trình độ, chấp nhận làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nguy hiểm.




Chưa kể, Nhà nước cũng điều hành giá điện, nên chuyện lãi - lỗ cũng chưa phản ánh hoàn toàn thực tế. Xem xét vấn đề trong bối cảnh cụ thể, thì mức lương 7,3 triệu đồng là vào năm 2009, năm mà EVN lãi do thủy điện hoạt động tốt, đủ nước. Năm 2010, ngành Điện lỗ thì lương của họ cũng đã giảm còn 95% so với 2009 - theo ông Phạm Lê Thanh nói.

Thêm nữa cần nhớ rằng đây là mức lương "trung bình": tức là lãnh đạo có thể rất cao, mà công nhân kéo dây nặng nhọc có thể chưa được trả xứng đáng. Điều này cần phải được kiểm tra làm rõ, như lời Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời tại Quốc hội.

Dù vậy, trong bối cảnh lương hành chính sự nghiệp của nhiều cán bộ chỉ ở mức 4 -5 triệu đồng, lương công nhân 2-3 triệu đồng mà ông Tổng Giám đốc EVN bảo "đau lòng" vì mức 7,3 triệu còn thấp đã gây ra một sự phản cảm lớn.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng nhìn thấy là với một bộ máy hơn 10 vạn người hiện tại, EVN có vẻ đang "lạm phát" cán bộ, công nhân viên. Với mức lương trung bình như ông Phạm Lê Thanh tiết lộ, một năm EVN sẽ phải chi khoảng 8,7 nghìn tỷ (con số không chính xác hoàn toàn) cho việc trả lương. Việc phải chi trả tiền lương cho một bộ máy quá cồng kềnh cũng khiến chi phí bị đội lên.

Toàn bộ lỗ của EVN là vì chịu cho... xã hội?

Trong buổi họp báo ngày 19-11, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN có nói: "Tôi phải chịu lỗ 300 đồng/kWh điện để bù cho cả cái xã hội này". Nghe qua cũng phần nào hiểu được cách nghĩ của người đứng đầu Tập đoàn này. Bởi vậy, họ luôn yêu cầu đòi phải đưa giá điện về "giá thực" và luôn cho rằng cả truyền thông và người dân đều không hiểu nỗi khổ "chịu lỗ cho toàn xã hội" của họ.

Thực ra dư luận đủ trình độ để hiểu rằng điện đang bán dưới giá thành, và chia sẻ với EVN điều đó. Nhưng điều người dân muốn biết chính là bao nhiêu % số lỗ đó là họ chịu cho xã hội, và bao nhiêu % là do sự kém cỏi trong điều hành, và không loại trừ cả việc "đút túi" cá nhân. Chính người dân cũng muốn biết đâu là "giá thực" của điện.

Điều mà cả EVN lẫn Bộ Công Thương bằng tất cả các phép tính công bố trong nhiều năm nay, chưa bao giờ nói được cho rõ ràng. Thay vì tự soi xét lại mình, EVN luôn đẩy khó khăn về phía người dân. Trong khi đó, họ quên mất bao nhiêu đặc quyền được hưởng với vị trí là ngành xương sống, như được sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyên dồi dào - mà thực chất là tiền thuế do dân đóng góp, hoặc thuộc sở hữu toàn dân.

Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, Bộ Công Thương cho biết, riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng, trong đó có nguyên nhân phải chạy điện dầu giá cao do thiếu hụt thủy điện, nguyên nhân do tỷ giá biến động, và có cả nguyên nhân do việc chậm tiến độ một số dự án.

Theo tổng kết việc thực hiện tổng sơ đồ VI, giai đoạn 2006 - 2010 chỉ hoàn thành được có hơn 69% quy hoạch. Có đến 4500 MW điện không đưa vào phát kịp do chậm tiến độ. Không có điện phát, tất nhiên phải chạy điện dầu giá cao, lỗ nhiều. Chưa kể đến chi phí thực hiện dự án đội lên. Đó có phải lỗi của người dân không mà hạch toán một cục lỗ 10 ngàn tỷ bắt bù?

Khi được chất vấn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ nói chung chung "chậm tiến độ có ảnh hưởng đến giá", "đang chỉ đạo nâng cao năng lực ban quản lý dự án, nâng cao năng lực nhà thầu"... còn câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai thì không thấy trả lời. Việc tách bạch rõ ràng chi phí đó cũng chẳng thấy ai làm. Cuối cùng "trăm dâu đổ đầu tằm", dân chịu tất? Hỏi thế làm sao dư luận không bức xúc




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét