Người thật, bằng giả. Rồi lại còn cái nạn người giả mà bằng thật. Con số này cũng không phải ít…
Ngày xưa, để xây dựng bộ máy nhà nước Phong kiến, các bậc Vua chúa thường tuyển chọn người tài bằng các cuộc thi. Đề thi do Vua ra. Bài làm của các thí sinh đều luận bàn những vấn đề lớn, ở tầm Quốc gia. Rồi căn cứ kết quả của cuộc thi mà chọn ra những Ông Trạng, Ông Nghè, rồi tùy theo tài năng của từng người mà bổ nhiệm các chức sắc.
Bây giờ, giá như chúng ta cũng tuyển chọn những người tài để bổ nhiệm chức vụ cán bộ bằng các cuộc thi như thế. Đề thi cũng là những vấn đề vĩ mô ở tầm Quốc gia. Ví như làm thế nào để chống được tham những. Giải pháp xóa ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông. Những kế sách chấn hưng đất nước. Bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông. Rồi đối nội, đối ngoại… Bằng cách làm cổ xưa như trái đất ấy, biết đâu, chúng ta sẽ tìm được rất nhiều người tài vẫn còn lẩn khuất ở trong dân.
Đọc đến đây, chắc bạn sẽ mỉm cười. Cái lão này dở hơi thật! Thời công nghệ hiện đại, sao lại còn lọ mọ như thế. Ngày xưa thi rồi mới cử. Bây giờ, ta cứ cử rồi mới thi. Cứ đảm trách công việc đã. Rồi phổ cập Đại học sau. Rồi còn phổ cập Thạc sĩ, Tiến sĩ. Có người, một năm, vừa làm, vừa tung tẩy đi mấy nước, đi nước ngoài như đi chợ mà vẫn “phổ cập” được đến mấy cấp. Không biết học lúc nào. Tài thật. Có lẽ học dọc đường chăng? Cụ V.I. Lenin bảo: “Học! Học nữa! Học mãi!”. Một nhà thông thái xưa cũng khuyên: Cứ trong ba người đi đường, thế nào cũng có một người là thày ta!
Thế thì ở đâu mà chẳng học được. Nhìn đâu cũng thấy trường. Học được là tốt. Nhưng cũng có người đâu có cần học. Thay cho học thật, học lại dùng những tấm bằng giả.
Những năm gần đây, việc mua bán bằng giả đã trở thành một việc nổi cộm nhức nhối, dẫn đến sự lộn xộn, mất lòng tin vì thật giả lẫn lộn, chẳng còn biết đâu mà lần. Và rồi gần đây toé loe ra, qua các phương tiện truyền thông, người ta không thể ngờ được rằng, một trong những điểm "sản xuất" bằng giả lại là một quán trọ sinh viên. Chủ nhân của những tấm bằng giả đó lại là mấy anh chàng học trò tỉnh lẻ. Đủ các loại bằng được "sản xuất" thủ công. Vậy mà rất tinh vi và kỹ xảo. Giá cũng đâu có đắt, để ai cũng có thể mua được. Không biết bao nhiêu những tấm bằng ma với giá bình dân như thế đã tung ra ngoài đời sống xã hội. Người thật, bằng giả. Rồi lại còn cái nạn người giả mà bằng thật. Con số này cũng không phải ít.
Tất nhiên, cái nạn "bằng thật người giả" này, nếu chỉ là các "ông cử", "bà cử", các "chuyên gia" của các chuyên ngành ở trong khối cơ quan nhà nước, các công ty, xí nghiệp thì sự tác hại còn âm ỷ kéo dài, không dễ mà thấy ngay được. Nhưng những người giả có bằng thật lại điều khiển xe cộ trong ngành vận chuyển giao thông thì ta có thể thấy ngay và phải trả giá nhỡn tiền. Mà giá đắt. Vì đó là những mạng người vô tội. Trong số những người chết oan ấy, có bao nhiêu tinh hoa của dân tộc và cả nhân loại, như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà toán học, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, nhà khoa học nổi tiếng thế giới Seymour Papert, người tình nguyện sang giúp ta giải bài toán Giao thông, nhưng bài toán còn chưa kịp giải, ông đã bị tai nạn ngay khi đang đi bộ qua đường.
Ngày nào cũng có hàng trăm vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nhiều chiếc xe đã trở thành hung thần vì cán chết đến cả chục người một lúc. Có người dừng xe đứng chờ đèn đỏ, có người ngồi chơi trên vỉa hè, có người không tham gia giao thông, đang nằm nghỉ trong chính căn nhà riêng ấm áp của mình, mà rồi cũng bị chết vì tai nạn giao thông. Có xe tải bỗng chốc hóa hung thần đường phố, lao lên cả vỉa hè, nghiến nát nhiều xe máy, xe con, húc đổ luôn cả bức tường của một căn nhà bên đường, rồi mới chịu dừng lại vì bị kẹt trong cả một đống đổ nát. Thật khó có thể hình dung nổi những cảnh tượng đau thương như thế. Trông hiện trường chẳng khác gì khu phố vừa qua trận bom B52. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những cuộc tai nạn thảm khốc, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản vẫn là do người điều khiển phương tiện không có đủ khả năng tối thiểu. Việc cấp bằng, bán bằng cho những người như thế có thể xem như một tội ác. Chừng nào còn tệ nạn mua bằng, bán bằng hoặc vô trách nhiệm trong việc cấp bằng thì đừng bao giờ hy vọng chúng ta có thể tránh được những tai nạn thảm khốc. Và những tai nạn ấy không phải chỉ diễn ra trong lĩnh vực giao thông.
Được biết là hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai quyết liệt nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này.
Trước đó, tại buổi thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện nay tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông quá nghiêm trọng và tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Dù thừa nhận trên 80% tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu nhưng bà Nga cho hay, còn có thêm một nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông. Bằng chứng là sau 3 khóa Quốc hội gần đây, có trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông, nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào bị kỷ luật vì để xảy ra tai nạn và chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này. Vì thế, chúng ta càng thấy quý Đinh La Thăng khi ông kiên quyết xử lý những vấn đề tồn đọng và đặt cược số phận mình vào công cuộc cải cách. Nếu không chuyển biến được tình hình, ông sẵn sàng mời Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ông.
Việc làm của Đinh La Thăng, có thể mở ra một mỹ tục mới. Đó là sự minh bạch và công khai hóa. Sẽ đẹp biết bao nhiêu, nếu Bộ trưởng nào khi nhận nhiệm vụ cũng thông báo cho dân biết, khóa trước, người tiền nhiệm làm được những gì. Và mình sẽ làm những gì. Người dân cũng cần phải biết, biết không phải để kiểm tra mà là để ủng hộ. Nếu không có sự ủng hộ của dân, của toàn xã hội, thì ngay cả một việc nhỏ cũng khó thành công được, chứ đừng nói những việc phức tạp, những việc tồn đọng đã thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội, như tai nạn giao thông và nạn tắc đường…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét