“Trong trường hợp 3 thanh niên khiếu nại tiếp lên Quốc hội thì Ủy ban tư pháp sẽ xử lý”.
Như PV đưa tin, ngày 7-12, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã họp và ra bản án giám đốc thẩm, tuyên bác Kháng nghị của Viện KSND Tối cao đề nghị tuyên vô tội với 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên. Tòa giám đốc thẩm cho rằng, bản án phúc thẩm đã “xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan”.
Như vậy, cơ hội kháng nghị bản án dành cho 3 thanh niên này là không còn. Tuy nhiên, đã có nghi vấn được đặt ra khi Hội đồng thẩm phán TANDTC bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao là để “bảo vệ” cho Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm (TAND TP. Hà Nội), cấp phúc thẩm (TAND tối cao).
Ông Nguyễn Đình Quyền.
Trước vấn đề đó, PV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban tư pháp của Quốc hội khóa XIII. Ông Quyền cho biết: “Trong trường hợp 3 thanh niên khiếu nại tiếp lên Quốc hội thì Ủy ban tư pháp sẽ xử lý”.
Tuy nhiên, ông Quyền cho biết thêm: “Tôi nghĩ hội đồng thẩm phán đã cân nhắc kỹ rồi chứ không phải đơn giản vì đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Hội đồng thẩm phán gồm những người là chánh các tòa chuyên môn, phó chánh án và chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện phó và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đó là cơ quan xét xử cao nhất theo hiến pháp. Hội đồng này không liên quan gì đến hội đồng xét xử phúc thẩm”.
“Theo hiến pháp, hội đồng thẩm phán là cơ quan cao nhất rồi. Không ai có thể cao hơn được. Hội đồng thẩm phán có cơ chế hoạt động đặc biệt. Khi hội đồng thẩm phán đã xét xử thì không ai xét xử cao hơn được. Kể cả khi có cơ chế đặc biệt là Quốc hội yêu cầu xem xét lại thì vẫn là giao cho hội đồng thẩm phán xem xét lại.
Trên cơ sở rút toàn bộ hồ sơ về, nếu Quốc hội thấy có vấn đề rồi giao cho Ủy ban tư pháp mà Ủy ban tư pháp cũng thấy có vấn đề thì lại yêu cầu chính hội đồng thẩm phán xem xét lại.
Nếu hội đồng thẩm phán vẫn khẳng định đúng như đã xét xử thì thôi. Trong chuyện này, không ai đi xét xử thay cả”, ông Quyền nói.
Nguyễn Đình Lợi đang tất bật với cửa hàng sửa xe của mình.
Trước đó, chiều 2-8-2010 trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Văn phòng cơ quan điều tra Công an Hà Nội cho biết, Công an Hà Nội đã xác định được 3 nghi phạm ở xã Dương Nội, Hà Đông có đặc điểm hoàn toàn trùng khớp với những đặc điểm được mô tả trong vụ án.
Đặc biệt, những người này có khuôn mặt, lời nói phù hợp với lời khai của các bị hại ngay sau khi vụ án xảy ra. Với những bằng chứng khá rõ ràng, đầu năm 2010, sau khi điều tra, đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ của vụ án, Viện KSNDTC đã có quyết định cho 3 bị cáo được tại ngoại, đồng thời ra kháng nghị đề nghị xét xử lại theo hướng tuyên 3 bị cáo vô tội.
Khi được hỏi về việc áp dụng thủ tục tái thẩm khi cơ quan điều tra xác định được 3 nghi phạm mới, ông Quyền cho biết: “Nếu có tình tiết mới thì phải là mới thực sự chứ chỉ là tình tiết khác, chung ý với các tình tiết trong bản án thì cũng không phải là tình tiết mới. Và khi đó không thể áp dụng thủ tục tái thẩm”.
Đưa ra quan điểm về vấn đề trên, Thiếu tướng Trần Phước Tới – Phó viện trưởng VKSND tối cao cho biết: “ Ba thanh niên này không còn quyền khiếu nại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là quyết định cuối cùng. Theo tố tụng không ai được can thiệp vào nữa”.
“Nếu họ kêu oan lên Quốc hội thì quốc hội giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phụ trách. Thủ tục tái thẩm chỉ được áp dụng khi xuất hiện tình tiết mới. Nếu không có tình tiết mới thì vẫn phải thi hành án do phiên giám đốc thẩm quyết định. Và khi đó đương nhiên 3 thanh niên kia vẫn tiếp tục phải chấp hành thời gian thi hành án còn lại”, ông Tới cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét