Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Hòa cả làng

http://quechoa.info/2011/12/09/hoa-c%E1%BA%A3-lang/


Mấy năm gần đây cái gì đáng sợ đều có nguy cơ tăng cao. Lạm phát tăng cùng với giá điện giá xăng dầu tăng; tắc đường tăng cùng với nạn mãi lộ tăng, tai nạn giao thông tăng; ốm đau bệnh tật tăng cùng với thiếu y đức, thiếu giường bệnh tăng; bệnh thành tích trong giáo dục tăng cùng với học sinh bỏ học tăng… ôi vân vân tăng. Có một thứ đáng sợ nhất, nghe nói đến ai cũng rùng mình, đó là tội phạm đang tăng khủng khiếp. Chỉ trong năm 2011 đã có 75 ngàn vụ phạm tội các loại, nghe mà thất kinh.

Tình hình nguy cấp đến nỗi  Bộ Chính trị phải ra một chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và lập một ban chỉ đạo do phó thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “nếu ở đâu tội phạm gia tăng thì phải xem xét vai trò trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước dân.” Rất hay, rất rõ ràng và thẳng thắn.

Việc qui trách nhiệm như vậy là để bỏ đi cái thói hễ có sự gì không hay lãnh đạo đều một mực kêu ca “người dân không có ý thức”. Chỉ có dân sai chứ lãnh đạo không sai. Hơn nữa, Phó thủ tướng cũng chỉ ra rằng “Băng nhóm xã hội đen hay tội phạm có tổ chức hoạt động thì thường có người bao che, cán bộ địa bàn bị tranh thủ, bị lợi dụng, tiếp tay cho tội phạm.” Đó là lý do vì sao tội phạm thả sức hoành hành, nếu được bảo kê của “ cán bộ địa bàn” sẽ không ai làm được gì tốt. Qui trách nhiệm như vậy kể như bắt đúng bệnh rồi đó.

Nhưng bắt đúng bệnh liệu  có trị được bệnh không?  Bởi vì tội phạm ngày nay liên quan rất chặt với tham nhũng, hoạt động của chúng cùng địa bàn, cùng đối tượng mà tham nhũng hoạt động.Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết “nổi lên hàng loạt vụ án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngoại hối, lừa đảo tín dụng đen lớn. Hành vi phạm tội chủ yếu là lợi dụng chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ, chính sách hỗ trợ mua nông sản xuất khẩu để làm giả hợp đồng kinh tế, thông đồng cán bộ thoái hóa biến chất trong ngân hàng để rút tiền hoặc lập khống dự án, dùng cổ phiếu giả, giấy tờ giả để thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt…”. Như vậy loại tội phạm này từ tham nhũng mà ra, chúng là con đẻ của tham nhũng.

Để chống tham nhũng ta cũng qui trách nhiệm rất rõ ràng cho cán bộ địa phương, bằng cách giao cho chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chống tham nhũng. Trong khi nạn tham nhũng đang hoành hành, từ đại nạn lên quốc nạn, nhưng chưa thấy ông trưởng ban chống tham nhũng nào bị kỉ luật cả. Đã thế  việc “phát hiện” các vụ tham nhũng ngày càng ít đi. Nhiều địa phương trong nhiều năm không “phát hiện” được vụ tham nhũng nào(!) Không chống được  ông bố tham làm sao chống được  ông con tội phạm? Sợ rằng sau khi qui trách nhiệm cho bí thư, chủ tịch “các địa bàn” thì cũng như báo cáo chống tham nhũng, báo cáo tội phạm trên “ các địa bàn” bỗng nhiên giảm đi nhanh chóng, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Vả chăng phòng chống tội phạm đâu chỉ trách nhiệm của bí thư, chủ tịch “ các địa bàn”, ngành dọc có  an ninh và quốc phòng, ngành ngang có Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Bộ giáo dục.v.v Liệu có kỉ luật được không mấy ông bí thư, chủ tịch “ các địa bàn”? Giả sử kỉ luật được thì nói như chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “ kỉ luật hết thì lấy ai mà làm việc.”?

Cho nên tư tưởng tốt, biện pháp hay và những nổ lực tiến công vào tội phạm là rất đáng khen, chỉ sợ không thắng nổi căn bệnh hòa cả làng đã ủ bệnh nhiều chục năm nay, giờ phát bệnh không cách gì chữa được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét