Khi đặt vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo
dục đại học, giới chuyên môn cùng các cơ quan hữu trách sẽ đứng trước
hàng loạt vấn đề nan giải: triết lý giáo dục, cơ chế quản lý điều hành,
hệ thống tổ chức, trình độ của đội ngũ giáo chức, chất lượng đào tạo,
thiết kế và vận hành chương trình học, nguồn lực và nguyên tắc quản lý
tài chính… Vì vậy, những ai có trách nhiệm tiến hành công cuộc đổi mới
này phải chọn ra được những khâu then chốt để đột phá, mở đầu cho một lộ
trình hợp lý tiếp diễn về sau.
Những bài học từ quá khứ
Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, một cuộc đổi mới
giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục đại học nói riêng đã được bộ
Giáo dục và đào tạo xúc tiến mạnh mẽ, nhưng chỉ đạt được một số thành
quả ít ỏi và phải dừng lại giữa chừng do bộc lộ những vấn đề bất cập.
Khi ấy, bộ tập trung đổi mới hệ thống tổ chức đại học bằng việc thành
lập hai đại học quốc gia và một số đại học “vùng”, đồng thời đổi mới
chương trình học với việc áp dụng chương trình hai giai đoạn và học chế
tín chỉ theo khuôn mẫu của Hoa Kỳ. Bộ cho rằng cứ ghép một số trường đại
học đơn lĩnh vực nhỏ vào với nhau để trở thành một đại học đa lĩnh vực
to (cỡ “quốc gia”, “vùng”) là sẽ có được đại học tầm cỡ quốc tế, nhưng
thực tế không phải như vậy. Các đại học quốc gia và đại học vùng đã tồn
tại trên dưới 15 năm, nhưng nước ta vẫn chưa có một đại học tầm cỡ quốc
tế nào, nên lại phải mời một số đại học nước ngoài vào mở chi nhánh của
họ ở Việt Nam, với hy vọng những chi nhánh tí hon này sẽ trở thành các
đại học “tầm cỡ
quốc tế” của nước ta!
Chương trình đại học hai giai đoạn với học chế tín chỉ
là ưu điểm nổi bật của nền đại học Hoa Kỳ. Nhưng khi ấy bộ đã tiếp nhận
nó một cách không đầy đủ, lại nóng vội áp dụng vào nước ta với rất nhiều
sai lạc, nên đã tạo ra một chương trình hai giai đoạn dị dạng làm giảm
sút chất lượng đào tạo, bị thực tiễn bác bỏ.
Động lực phát triển giáo dục đại học là sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng nghiên cứu và đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực, chứ không phải là việc lập thành tích dâng lên cấp trên để được khen thưởng. |
Di sản đáng kể nhất mà cuộc đổi mới giáo dục đại học
hồi đó để lại cho đến nay là học chế tín chỉ, hiện đang được hoàn chỉnh
dần để áp dụng đại trà. Tuy nhiên, học chế này chỉ phát huy hết tác dụng
tích cực của nó trong khuôn khổ chương trình hai giai đoạn đúng chuẩn.
Do thất bại của cuộc đổi mới giáo dục cuối thế kỷ 20,
nền giáo dục đại học nước ta hiện nay lại phải tiến hành một cuộc đổi
mới căn bản và toàn diện nữa. Dù sao thì những bài học từ quá khứ cũng
có giá trị soi sáng cho cuộc đổi mới này: phải có một kế hoạch chiến
lược tổng thể đúng đắn, chọn đúng những khâu then chốt, vạch đúng lộ
trình với các bước đi thích hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng khoa học giáo dục
hiện đại và các khuôn mẫu quốc tế trước khi áp dụng vào thực tiễn Việt
Nam.
Những khâu then chốt cần đổi mới
Từ thực trạng của nền giáo dục đại học hiện hành, có
thể thấy việc đổi mới phải được tiến hành trên ba khâu then chốt là cơ
chế quản lý điều hành, hệ thống tổ chức và chương trình học.
1. Về cơ chế quản lý điều hành: Đại học là nơi có trình
độ học vấn cao nhất để phát minh các chân lý khoa học và sáng chế những
sản phẩm mới cho xã hội. Do đó, đại học phải có quyền tự chủ và tự chịu
trách nhiệm rất cao (các nước tiên tiến gọi là quyền “tự trị đại học”).
Vì vậy, vấn đề tiên quyết và trọng yếu của công cuộc đổi mới đại học là
tháo gỡ sự ràng buộc của cơ chế quan liêu – bao cấp để chuyển sang cơ
chế quản lý khoa học – dân chủ. Theo đó, bộ Giáo dục và đào tạo chỉ quản
lý hành chính dựa trên pháp luật, nắm quyền xét duyệt việc thành lập
các trường, quy định chỉ tiêu tuyển sinh, phân bổ kinh phí cho các
trường công lập, theo dõi hoạt động và kết quả đào tạo để hướng dẫn và
khuyến cáo cho các trường. Bãi bỏ những quy định về “bộ chủ quản”, đồng
thời điều chỉnh quan hệ cấp trên cấp dưới giữa chính quyền các tỉnh,
thành với các trường đại học, trở thành mối quan hệ phối hợp giữa nơi sử
dụng với nơi đào tạo nguồn nhân lực. Toàn bộ hoạt động chuyên môn
nghiệp vụ và điều hành nhà trường do chính các trường quyết định, bao
gồm việc bổ nhiệm giáo sư và các chức danh của đội ngũ giáo chức, việc
tuyển sinh cùng chương trình học, quy trình giảng dạy và nghiên cứu khoa
học, cấp phát văn bằng chứng chỉ và liên kết đào tạo…Cơ quan quyền lực
cao nhất của mỗi trường là hội đồng đại học do hiệu trưởng đứng đầu.
Theo cơ chế này, động lực phát triển giáo dục đại học là sự cạnh tranh
lành mạnh về chất lượng nghiên cứu và đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị
trường nhân lực, chứ không phải là việc lập thành tích dâng lên cấp
trên để được khen thưởng.
2. Về chương trình đào tạo: Tiêu chí cơ bản quyết định
giá trị của các trường đại học là chương trình đào tạo. Nếu so sánh với
nền đại học của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thì
chương trình đào tạo đại học của nước ta còn nghèo nàn và lạc hậu về nội
dung và không tương thích về cấu trúc. Vì vậy, đổi mới chương trình đào
tạo là một vấn đề cấp bách phải giải quyết. Con đường ngắn nhất và tốt
nhất để làm cho chương trình đại học nước ta tương thích với các chương
trình quốc tế chính là việc áp dụng chương trình hai giai đoạn, kiểu
chương trình đã và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Gạt bỏ cái
chương trình dị dạng trong quá khứ, giờ đây chúng ta cần xây dựng một
chương trình đại học bốn năm chia thành hai giai đoạn theo đúng mô thức
quốc tế: giai đoạn thấp (cho năm 1 và 2) bao gồm chủ yếu là khối kiến
thức giáo dục tổng quát, giai đoạn cao (cho năm 3 và 4) bao gồm khối
kiến thức chuyên ngành. Từ đó sẽ hoàn thiện học chế tín chỉ, để trao
quyền chủ động lựa chọn môn học cho sinh viên, để họ có thể liên thông
và chuyển đổi chuyên đề học tập rộng rãi giữa hai giai đoạn.
3. Về hệ thống nhà trường: Hệ thống các trường đại học,
cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hiện hành đang tồn tại nhiều
sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ. Vì thế, việc tái cấu trúc hệ thống nhà
trường cũng là một khâu then chốt của công cuộc đổi mới.
Trước hết, cần xoá bỏ mọi dạng thức nhập nhằng để xác
định rạch ròi hai loại hình tổ chức đào tạo là các trường công lập (sử
dụng kinh phí nhà nước) và các trường tư thục (sử dụng nguồn vốn tư
nhân). Mỗi loại hình sẽ hoạt động theo quy chế riêng thích hợp với nó.
Tiếp đó, cần thiết kế lại chương trình học để xoá bỏ sự phân biệt giữa
các trường cao đẳng với “cao đẳng nghề”, TCCN với “trung cấp nghề” để
trở thành một bậc học duy nhất ở cùng trình độ. Trên cơ sở chương trình
đào tạo hai giai đoạn, xây dựng hệ thống các trường đại học hai năm đào
tạo giai đoạn thấp, liên thông liền mạch lên giai đoạn cao ở các trường
đại học bốn năm. Trong đó, chú trọng xây dựng các trường đại học cộng
đồng (community college) đào tạo giai đoạn thấp kết hợp với dạy nghề
phục vụ địa phương. Chuyển dần các trường cao đẳng và TCCN thành các đại
học hai năm hoặc đại học cộng đồng. Từ đó sẽ tiến tới phân tầng đại
học: tầng 1 là các đại học hai năm (bao gồm cả đại học cộng đồng), tầng 2
là các đại học giảng dạy bốn năm (đào tạo cử nhân và thạc sĩ), tầng 3
là các đại học nghiên cứu bốn năm (đào tạo cả cử nhân, thạc sĩ và tiến
sĩ).
Sự đổi mới ba khâu then chốt trên sẽ dẫn tới việc đổi
mới ở tất cả các khâu khác, làm cho chất lượng đào tạo và giá trị của
nền giáo dục đại học nước ta tăng lên, tiếp cận được với các tiêu chuẩn
quốc tế.
Lê Vinh Quốc
(nguyên phó hiệu trưởng trường đại học Sư phạm TP.HCM)
(nguyên phó hiệu trưởng trường đại học Sư phạm TP.HCM)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét