Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Người dân có sức chịu đựng lớn với tham nhũng

http://sgtt.vn/Goc-nhin/163566/Nguoi-dan-co-suc-chiu-dung-lon-voi-tham-nhung.html

Khi được hỏi có tố cáo hành vi tham nhũng của các cán bộ chính quyền địa phương không, người dân Thái Bình cho biết sẽ không tố cáo nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên đến 15 – 18 triệu đồng.

Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI – dự án nghiên cứu được phối hợp thực hiện giữa CECODES (trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UNDP Việt Nam nhằm tập hợp nhiều dữ liệu phân tích định lượng về sáu lĩnh vực quản trị và hành chính công, gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) năm 2011, vừa được công bố vào sáng 3.5 tại Hà Nội, đã đề cập đến yếu tố trên. Kết quả khảo sát còn cho thấy tính trung bình trên cả nước, hành vi vòi tiền ở mức từ 5,5 triệu đồng trở xuống nằm trong “ngưỡng chịu đựng được” của người dân.

Tham nhũng – vấn đề khá phổ biến
Cũng theo báo cáo này, số tiền cao nhất mà người dân phải chi ngoài quy định cho các y, bác sĩ lên đến 29,2 triệu đồng ở Cà Mau. Số tiền chi ngoài quy định ở trường tiểu học, giá trị lớn nhất ở Hải Phòng với 11,2 triệu đồng. Trung bình toàn quốc là 1,2 triệu đồng. Đáng chú ý, mức tiền hối lộ để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – theo kết quả khảo sát này – thì có vẻ người dân Hải Phòng phải chi nhiều nhất bởi giá trị trung bình của chỉ số này ở ngưỡng 9,8 triệu đồng. Người dân Hưng Yên cho rằng hiện tượng phải đưa hối lộ để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khá phổ biến.

PAPI 2011 lần đầu tiên được khảo sát trên toàn quốc sau hai năm thử nghiệm ở một số tỉnh, với số người tham gia khảo sát trên 13.000 người. Năm 2011, Long An là tỉnh duy nhất đứng đầu trong cả sáu lĩnh vực được khảo sát. Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An được người dân đánh giá thực hiện quản trị và hành chính công tốt. Các tỉnh Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi đứng cuối bảng trong cả nước với điểm tổng hợp thấp nhất. Từ năm 2011 trở đi, PAPI được thực hiện thường niên nhằm chỉ báo xu hướng thay đổi ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ, trưởng ban Tư vấn chương trình nghiên cứu PAPI, giai đoạn 2011 – 2020 PAPI sẽ tập trung vào định lượng nhiều hơn. Cũng theo ông Phúc, việc đánh giá hiệu quả quản trị sẽ là công cụ giúp các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương đánh giá và tiến hành cải cách hành chính. Mặt khác, phản ứng, hiệu ứng của người dân thông qua kết quả khảo sát PAPI cũng hỗ trợ và giúp Chính phủ có công cụ tốt hơn để cải cách hành chính.
Trong số 330 người được hỏi trên toàn quốc chỉ có 13,27% cho biết họ đã tố cáo hành vi tham nhũng; 47,45% cho biết tố cáo không mang lại lợi ích gì; 12,77% sợ bị trù úm, trả thù; 11,31% cho rằng thủ tục tố cáo rườm rà; 10,22% không biết tố cáo như thế nào. Vĩnh Long có 100% người bị vòi vĩnh đã tố cáo, còn ở Bắc Kạn là 0%.

Nhóm nghiên cứu nhận định mức độ tham nhũng và hối lộ là như nhau khi so sánh các thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh và là chỉ báo cho thấy tham nhũng là vấn đề phổ biến ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn khi kết quả khảo sát cho thấy trên toàn quốc chỉ có 22,95% người được hỏi cho rằng chính quyền tỉnh/thành phố của họ nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tỷ lệ này ở Hà Nội là cao nhất với 50,66%, thấp nhất là 5,39% ở Bạc Liêu.

Quy hoạch sử dụng đất chưa minh bạch
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất ở địa phương, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có gần 20% người trả lời trên toàn quốc được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chỉ số này giảm so với chỉ số 24,5% của năm 2010. Nói cách khác, cứ 10 người dân thì khoảng 8 người không biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của xã/phường. Việc người dân không được thông tin rõ ràng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể là cơ hội tốt cho một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để trục lợi. Tỷ lệ người dân không biết quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở xã, phường, thị trấn năm 2011 là 79,19%, cao hơn chỉ số 72,62% của năm 2010.

Báo cáo cũng cho thấy có gần 2/3 số người dân không biết tới đâu để tìm kiếm thông tin về khung giá đất được chính quyền địa phương chính thức ban hành. Ở Trà Vinh, có tới 90% số người được hỏi không biết tìm kiếm thông tin này ở đâu. Về công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù thu hồi đất, Hải Phòng có số điểm thấp nhất 1,25 điểm. Điều này cho thấy công khai, minh bạch trong quản lý đất đai ở Hải Phòng là vấn đề nổi cộm. Đồng thời, trung bình toàn quốc chỉ có gần 13% số hộ gia đình bị mất đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường, thấp hơn tỷ lệ 17% của năm 2010. Có đến 100% số hộ gia đình bị thu hồi đất ở Dăk Lăk cho biết giá đền bù thấp hơn giá thị trường.

Việt Anh
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét