Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử

http://infonet.vn/the-gioi/nhung-vu-trom-cuop-hoan-hao-nhat-lich-su/a26898.html


Sau khi bình tĩnh cướp máy bay và "cuỗm" 200.000 USD năm 1971, tên cướp Dan Cooper nhảy dù xuống vùi đồi núi Portland và "lặn mất tăm" từ đó đến nay.

Thoát tội hoàn hảo
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Ảnh minh họa.
Ngày 25/2/2009, 3 tên cướp bịt mặt đột nhập khu mua sắm Kaufhaus Des Westens lớn thứ 2 ở châu Âu. Dùng một thang dây, chúng trèo vào tầng chính tòa nhà và trộm đi số trang sức trị giá 5 triệu Euro mà không làm báo động.
Tuy nhiên, chúng lại phạm sai lầm nghiêm trọng là để quên găng tay ở hiện trường. Xét nghiệm DNA sau đó cho thấy, kết quả trùng với 2 anh em sinh đôi Hassan và Abbas O. Theo luật của Đức, mỗi bị cáo bị buộc tội riêng rẽ nhưng do cảnh sát không xác định được DNA, qua đó xác định ai phạm tội gì nên họ buộc phải thả cả 2 anh em. Trong khi đó, tung tích của tên thứ 3 chưa được tìm thấy.

Kẻ chạy trốn nổi tiếng nhất thế giới
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Nhận dạng khuôn mặt tên cướp Dan Cooper.
Ngày 24/11/1971 và là đêm trước Lễ Tạ ơn, một hành khách tên Dan Cooper đáp máy bay đi Portland, Mỹ. Mặc áo khoác, đeo kính đen và xách một vali, hắn ngồi lặng lẽ cuối máy bay. Sau khi châm thuốc, Cooper đề nghị chiêu đãi viên 1 ly whiskey và đưa tờ nhắn. Tờ giấy viết: “Tôi có bom trong vali. Tôi sẽ dùng nó khi cần thiết. Cô hãy ngồi cạnh tôi. Máy bay đang bị cướp”.
Sau đó, tên cướp đòi 200.000 USD và gửi cho hắn 4 chiếc dù ở Seattle. Khi máy bay hạ cánh, hắn thả hết hành khách, chỉ giữ lại phi công, phi công phụ và chiêu đãi viên. Khi tiền được đưa đến, Cooper lệnh cho phi công cất cánh và hướng máy bay về phía Mexico. Bay đến độ cao 3km, tên cướp liền nhảy dù xuống vùng núi phía Tây Bắc Portland.
Kể từ đó, không ai nghe tin về hắn. Năm 1980, khoảng 6.000 USD được tìm thấy trong một chiếc bọc trên bãi biển nhưng không có dấu vết về tên cướp.

Vụ cướp như phim
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Bên trong bảo tàng Isabella Stewart Gardner.
Ngày 18/3/1990, một nhóm cảnh sát xuất hiện trước cửa Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston và đòi khám xét khu nhà. Không chút hoài nghi, bảo vệ cho họ vào mà không biết đó là những tên tội phạm trá hình. Một “cảnh sát” nói rằng, họ có lệnh bắt giữ một bảo vệ và yêu cầu hắn ta rời vị trí đứng gác. Họ nhanh chóng còng tay người này và một đồng nghiệp khác.
Nhóm cướp sau đó cuỗm đi 13 bức tranh, trong đó có các kiệt tác của Rembrandt, Vermeer và Degas trị giá 300 triệu USD. Đến nay, cảnh sát chưa bắt được ai liên quan đến vụ việc, trong khi các bức tranh vẫn chưa được tìm thấy.

Vụ cướp trên đường phố Nhật
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Chân dung tên cướp thông minh.
Ngày 10/12/1968 tại Tokyo, Nhật Bản, một xe chở tiền của ngân hàng Nihon Shintaku Ginko chuyển 300 triệu Yen (khoảng 817.000 USD) bất ngờ bị một cảnh sát đi xe mô tô chặn lại. Người này báo nhân viên an ninh trên xe rằng, có một quả bom cài phía dưới xe. Vì từng có đe dọa đánh bom với ngân hàng, 4 bảo vệ sợ hãi xuống xe, trong khi “viên cảnh sát” kiểm tra xe.
Ngay sau đó, khói và lửa bất ngờ bốc lên dưới xe, khiến 4 bảo vệ chạy tìm chỗ nấp. Thực chất đó là vụ nổ giả để che mắt và thừa dịp đó, tên cướp đội lốt cảnh sát nhảy lên xe và phóng đi. Mặc dù giới chức sau đó thu thập 120 bằng chứng, xét hỏi 110.00 nghi can và huy động 170.000 nhân viên điều tra nhưng tên cướp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Năm 1975 là thời hạn vụ án kết thúc và năm 1988, mọi trách nhiệm dân sự liên quan đến vụ việc bị bãi bỏ, nhưng danh tính về tên cướp siêu việt vẫn không bị truy ra.

Vụ cướp kim cương lớn nhất lịch sử
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Thiết kế kho bạc bị bọn trộm "ghé thăm".
Đây được xem là vụ trộm kim cương lớn nhất lịch sử tại tại kho bạc “không thể xuyên thủng” ở Antwerp, Bỉ. Nằm sâu 2 tầng dưới mặt đất, căn hầm đươc bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống radar, cảm biến nhiệt và chuyển động, từ trường và một lực lượng an ninh hùng hậu. Tháng 2/2003, sử dụng những biện pháp tinh vi, nhóm trộm âm thầm đột nhập vào hầm, mở két và cuỗm đi đống kim cương trị giá 100 triệu USD. Cảnh sát sau đó bắt giữ kẻ cầm đầu là Leonardo Notarbartolo và hắn ta bị tuyên án 10 năm tù. Notarbartolo sau đó khai rằng, giá trị món hàng thực sự là 20 triệu USD và vụ cướp là một phần của âm mưu gian lận tiền bảo hiểm lớn hơn. Dù vậy, số kim cương đến nay chưa chưa được tìm thấy.

Vụ cướp như ảo thuật
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Ảnh minh họa.
Vụ án bí hiểm này như một trò ảo thuật của David Copperfield. Vào ngày cuối tuần 7/10/1977, một nhân viên ngân hàng đếm đủ số tiền 4 triệu USD tiền mặt và giữ nó trong két sắt, tại tầng hầm của ngân hàng Quốc gia Chicago First. Tuy nhiên, thứ 3 tuần sau, khi đếm lại số tiền, tổng cổng 1 triệu USD gồm các tờ bạc 50 và 100 USD bỗng chốc bốc hơi. Năm 1981, cảnh sát phát hiện số tiền trị giá 2.300 USD cùng serie trong một vụ bắt giữ đường dây ma túy. Tuy nhiên, thủ phạm và số tiền còn lại đều chưa được tìm thấy.

Vụ cướp 108 triệu USD
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Một cửa hàng trang sức ở Paris.
Ngày 4/12/2008, 4 tên cướp, trong đó 3 tên cải trang thành phụ nữ với mái tóc giả màu vàng, xông vào một cửa hàng trang sức nổi tiếng ở Paris, Pháp ngay trước giờ đóng cửa. Khi vào bên trong, chúng lấy súng và một quả lựu đạn để uy hiếp nhân viên cửa hàng. Chưa đầy 15 phút sau, chúng trốn thoát cùng một đống kim cương, ngọc ruby, ngọc lục bảo với giá trị khoảng 108 triệu USD. Các nhà điều tra tin rằng, vụ cướp do băng tội phạm người Serbia có tên Những con báo hồng (Pink Panthers) thực hiện. Chúng từng gây ra các vụ cướp với tổng tài sản lên đến 132 triệu USD nhưng chưa tên nào bị bắt.

Thánh giá vô giá
Những vụ trộm cướp ‘hoàn hảo’ nhất lịch sử
Cây thánh giá Tucker.
Thánh giá Tucker được đặt theo tên người thợ lặn Teddy Tucker sau khi ông ta tìm thấy nó năm 1955 ở một con tàu đắm (năm 1594) ngoài bờ biển San Pedro, Mỹ. Cây thánh giá nặng 22 carat vàng và gắn ngọc lục bảo được xem là món đồ vô giá. Tucker sau đó bán nó cho chính phủ Bermuda với số tiền không được tiết lộ. Năm 1975, thánh giá được chuyển tới Bảo tàng Nghệ thuật Bermuda để triển lãm khi Nữ hoàng Elizabeth II ghé thăm. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, không ai biết khi nào và làm cách nào mà một tên trộm thay nó bằng đồ giả làm từ nhựa. Có người cho rằng, cây thánh giá bị tháo hết ngọc và bán vào thị trường chợ đen.
BÌNH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét